Nhà có... “ông chú viettel”
Một hình thức lừa đảo được phát tán rộng rãi và liên tục trên mạng internet trong năm 2014 chính là việc đưa thông tin về một chương trình khuyến mãi thẻ nạp với giá trị tăng lên “khủng khiếp” của Viettel.
Theo đó, trên các trang mạng thường xuyên xuất hiện thông tin với nội dung: “Có thể mọi người sẽ không tin nhưng cam đoan là sự thât 100%, theo thông tin mới lộ ra do người chú của mình làm ở Viettel cho biết thì Viettel đang có chương trình khuyến mãi đặc biệt… khuyến mãi x10 giá trị thẻ nạp cho nhân viên trong công ty của Viettel, nhân dịp kỉ niệm 30 năm thành lập tập đoàn Viettel".
Hay “Tin này chỉ trong viettel mới biết nhé. Chú mình đã bảo mình làm ngay và mình đã nạp được 1 cái thẻ 200k rồi, tài khoản của mình hiện tại là 2 triệu, mình nghĩ nên share lên chia sẻ cho mọi người cùng biết…”
Không chỉ x10, gần đây, những kẻ lừa đảo có… ông chú ở Viettel tiếp tục gửi tin nhắn lên tường Facebook của nhiều người với giá trị thẻ nạp được x15 lần.
Nhiều người khi thấy những tin nhắn đó cũng cảm thấy bị "kích thích". Tuy nhiên, hoài nghi về chiêu khuyến mãi khủng nên không ít người đã gọi điện đến tổng đài chăm sóc khách hàng của Viettel và được xác nhận thông tin khuyến mãi nhân 10 giá trị thẻ nạp là bịa đặt và lừa đảo.
Lừa đảo trúng thưởng qua Zalo, Viber…
Việc xuất hiện các “công ty ma” lừa đảo trúng thưởng qua các phần mềm OTT như Zalo, Viber, Beetalk cũng nở rộ. Phần lớn tin nhắn lừa đảo thông qua các phần mềm ứng dụng có nội dung, người dùng đã trở thành khách hàng may mắn trúng thưởng một phần quà rất có giá trị, để nhận thưởng bạn cần truy cập vào website gửi kèm trong tin nhắn và nhập thông tin.
Sau khi nhập thông tin trang web tự động chuyển tới phần thông báo cho biết cần phải chuyển một khoản tiền nhất định để làm chi phí hồ sơ thông qua kênh thanh toán rất thiếu chuyên nghiệp là... thẻ cào điện thoại.
Tại ứng dụng Zalo, không ít khách hàng nhận được tin nhắn thông báo đã trúng giải nhất của chương trình “Zalo - nhắn lời yêu thương” trị giá giải thưởng là 1 chiếc xe máy Liberty và số tiền mặt là 50 triệu đồng. Tuy nhiên, khi nạp tiền làm “thủ tục” thì phát hiện ra mình bị lừa.
Hack nick Facebook, nhờ bạn bè nạp thẻ điện thoại
Không ít người ăn "quả lừa" khi nhận được tin nhắn trên Facebook của bạn bè về việc nhờ nạp thẻ điện thoại. Sau khi mua thẻ, nhắn số thẻ cho "bạn" xong thì mới tá hỏa là tài khoản Facebook của bạn mình bị kẻ xấu chiếm đoạt và lợi dụng kiếm tiền.
Trong khoảng thời gian đầu, rất nhiều người đã bị lừa từ chiêu này. Tuy nhiên, sau khi “dính phốt”, các bạn trẻ không chỉ rút kinh nghiệm cho bản thân mà còn cảnh báo cho bạn bè, người thân để tránh được chiêu lừa này.
Bạn Mai Lĩnh (Hà Nội) chia sẻ: “Có một lần mình cũng được một nick Facebook hỏi thăm và nhờ nạp thẻ. Trước đó mình nghe bạn bè kể về mấy cái chiêu lừa này rồi nên đã “đùa” lại kẻ xấu bằng cách đọc một cái mã thẻ điện thoại đã dùng. Tên lừa đảo đó không biết ngại mà còn trơ trẽn, mắng chửi lại mình”.
Hiện các hình thức lừa đảo vặt qua mạng trên ngày càng trở nên phổ biến. Vì vậy, những người sử dụng mạng xã hội hay các phương tiện liên lạc như điện thoại smartphone cần tỉnh táo để tự bảo vệ mình, tránh rơi vào bẫy mà những kẻ lừa đảo lợi dụng lòng tin để đặt ra.
Theo Người Đưa Tin.
Bình luận