Văn bản được chính phủ Ireland gửi lên tòa án liên bang dưới tư cách thân hữu tòa án (không phải là một bên trong vụ kiện) trong phiên phúc thẩm diễn ra tại New York, trong đó có nêu rõ yêu cầu chính phủ Mỹ tôn trọng quyền tự quyết của Ireland. Theo bản kiến nghị này, "Ireland không chấp nhận quan điểm rằng chính phủ Ireland phải can thiệp vào quá trình tố tụng của tòa án nước ngoài nhằm bảo vệ quyền tự quyết của Ireland". Tuy nhiên, chính phủ Ireland cũng cho biết sẽ xem xét quyền truy cập dữ liệu được lưu trữ trên các máy chủ nằm trong lãnh thổ quốc gia này.
Trong một tuyên bố được đưa ra hôm thứ ba vừa qua, ông Dara Murphy cho biết: "Với cương vị là người chịu trách nhiệm trong các vấn đề liên quan đến bảo mật dữ liệu, tôi đã xem xét vấn đề một cách thận trọng trên lập trường của Ireland về những nguyên tắc quan trọng trong các chính sách công khai đang được áp dụng hiện nay. Sau khi thảo luận chi tiết với những người có trách nhiệm liên quan, chúng tôi nhất trí rằng Ireland sẽ đệ trình một văn bản kiến nghị với tư cách thân hữu của toà án, tập trung nêu rõ các nguyên tắc liên quan đến vụ kiện dựa trên quá trình tiến triển của phiên tòa nhằm mục đích hỗ trợ pháp lí cho các vụ kiện liên quan".
Văn bản kiến nghị chỉ rõ, Mỹ và Ireland đã kí một thỏa thuận cho phép hai bên trao đổi các chứng cứ phạm tội nhằm hỗ trợ thi hành pháp luật vào năm 2001. Văn bản này cũng là câu trả lời cho Microsoft khi công ty của CEO Satya Nadella kêu gọi Ireland hỗ trợ trước khi tòa án liên bang đưa ra bất kì phán quyết nào.
Kể từ năm ngoái, Microsoft đã bắt đầu lên tiếng phản đối chương trình do thám của chính quyền Washington đối với thư điện tử (email) và các dữ liệu cá nhân của người dùng. Trước đó, hồi tháng 12/2013, một thẩm phán tòa án New York đã ban hành lệnh yêu cầu Microsoft cung cấp các bản sao email lưu giữ tại các máy chủ ở thủ đô Dublin của Ireland để phục vụ công tác điều tra. Microsoft đã từ chối thực hiện yêu cầu này, cho rằng chính quyền không có quyền truy nhập các dữ liệu bên ngoài nước Mỹ. Công ty này bày tỏ quan điểm rằng, các quy định về lưu trữ thông tin liên lạc của Bộ luật Bảo mật Truyền thông điện tử (ECPA) không được áp dụng bên ngoài Hoa Kì. Tuy nhiên, tháng Bảy vừa qua, tòa án đã đưa ra phán quyết yêu cầu Microsoft phải cung cấp các dữ liệu thư điện tử của người dùng cho chính phủ. Microsoft một lần nữa kháng cáo và kiên định với lập trường của mình.
Trong diễn biến mới nhất, trưởng nhóm luật sư biện hộ của Microsoft, Brad Smith, đã đăng tải một bài viết trên blog cá nhân bày tỏ quan điểm rằng: "Cam kết của chính phủ Ireland cho thấy sự hợp tác quốc tế trong vấn đề này không chỉ cần thiết mà còn rất khả thi. Microsoft kêu gọi chính phủ các quốc gia hợp tác với nhau chứ không phải là can thiệp hay kiểm soát lẫn nhau".
Microsoft từ chối bình luận thêm ngoài những gì Smith đã viết trong bài đăng blog của mình.
Theo VnReview.
Bình luận