Tại toạ đàm “Đưa ứng dụng CNTT – Viễn thông vào đời sống” vừa được tổ chức tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng nhận định, xu hướng hội tụ nhiều dịch vụ trên cùng một nền tảng để đưa ra những thiết bị, giải pháp và ứng dụng trong đời sống kinh tế, xã hội đang phát triển mạnh.
Ví dụ, một chiếc smartphone ngày nay được tích hợp tính năng xem ti vi, thiết bị định vị…; chiếc tivi Internet cũng có thể biến thành thiết bị máy tính, đàm thoại… Ngoài ra, ngay cả ứng dụng như bán vé tàu online đang được FPT triển khai cho ngành đường sắt không chỉ hội tụ viễn thông, CNTT mà cả bưu chính khi sử dụng kênh thanh toán qua các bưu cục; hoặc giải pháp về SmartHome của Bkav không đơn thuẩn là các phần mềm ứng dụng, mà phải sử dụng cả công nghệ cơ khí, đường truyền Internet, điện thoại di động, các thiết bị điện tử khác…
Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho rằng, thời gian tới, xu hướng tích hợp 3 trong 1, 4 trong 1, thậm chí 5 trong 1… chắc chắn sẽ tiếp tục phát triển mạnh và sâu rộng hơn trong nhiều lĩnh vực. Do đó, các doanh nghiệp kinh doanh cần phải tính đến yếu tố này để nắm bắt nhu cầu của thị trường. Ngoài ra, các cơ quan quản lí khi làm văn bản quy phạm pháp luật cũng cần phải quan tâm để khi ra văn bản không chỉ giải quyết một lĩnh vực đơn lẻ.
Cũng theo nhận định của Thứ trưởng Lê Nam Thắng, xu hướng thứ hai của sự phát triển hiện nay chính là sự cá thể hóa trong hoạt động viễn thông, CNTT. Tức là, các giải pháp, sản phẩm được linh hoạt “may đo” theo từng nhu cầu ứng dụng.
Sự bùng nổ của smartphone, Internet băng rộng đang cho phép có thể cá thể hóa dễ dàng thay vì như trước kia chưa thực hiện được trên chiếc máy tính. Nếu như trước đây ứng dụng CNTT thường chỉ làm cho khối các cơ quan quản lí thì ngày nay xu hướng cá thể hóa còn đang hướng đến số đông người dân (tương tự như giải pháp nhà thông minh, bán vé tàu online…).
Tuy nhiên, Thứ trưởng Lê Nam Thắng cũng lưu ý, trong xu hướng phát triển, sự hội tụ CNTT – viễn thông với những ứng dụng cá thể hóa, di động, điện toán đám mây, dữ liệu lớn… sẽ kết hợp thành hệ thống lớn và thông minh hơn, nhưng cũng đặt ra những thách thức mới về an toàn bảo mật.
Do đó, thực tế đòi hỏi các doanh nghiệp phát triển ứng dụng, doanh nghiệp viễn thông phát triển đường truyền… ngoài việc cung cấp dịch vụ tiện ích cần kèm theo những giải pháp về đảm bảo bảo mật, an toàn an ninh thông tin cho người dùng.
Theo ICTnews.
Bình luận