Phải thừa nhận rằng đây là thực trạng đang xảy ra trên thị trường di động Việt. Như trường hợp của anh Huy Anh (Bách Khoa, Hà Nội), vì yêu thích smartphone pin "trâu" nên anh đã chọn ngay chiếc Galaxy Note 4 không lâu sau khi chiếc điện thoại này được bán tại Việt Nam. Tuy nhiên, chính vì máy có màn hình quá lớn, khó sử dụng bằng 1 tay nên anh đã phải rao bán để chuyển sang chiếc Nexus 5 cho tiện sử dụng.
Thế nhưng mức giá 14 triệu ban đầu mà anh đưa ra chưa thể khiến chiếc máy tìm được chủ mới. Qua nhiều lần mặc cả từ những người hỏi mua vì nhanh chóng muốn bán nhanh để mua điện thoại mới, anh Huy Anh đã phải chấp nhận mức giá hơn 13 triệu đồng. Như vậy, tổng cộng anh đã lỗ tới gần 5 triệu đồng sau 2 tháng sử dụng máy.
Cùng chung cảnh ngộ với anh Huy Anh, anh Tiến (Linh Đàm, Hà Nội) chia sẻ: Nhận thấy giá bán iPhone 6 đang ở mức tốt, lại mong muốn trải nghiệm iOS nên anh quyết định bán chiếc LG G3 đã mua hồi hè với giá 16 triệu để đổi "dế". Dẫu vậy, sau hơn 6 tháng sử dụng mà smartphone Android của anh chỉ có thể bán được máy với giá 8,5 triệu đồng. Vị chi cứ mỗi tháng dùng máy, giá trị chiếc G3 của anh giảm giá trị đi 1 triệu đồng.
Tình trạng mất giá nhanh không chỉ tồn tại với smartphone Android mà nay còn xảy đến với cả dòng điện thoại độc tôn của Apple. Giờ đây, iPhone vốn giữ giá rất lâu tại Việt Nam cũng đã phải chịu tốc độ mất giá nhanh hơn trước rất nhiều. Chẳng nói đâu xa, những người săn iPhone 6 hẳn không thể quên được vụ trượt giá "khủng khiếp" khiến dân buôn lỗ cả trăm triệu khi găm hàng xách tay iPhone 6 vào hồi cuối tháng 9/2014. Tuy rằng, vụ hạ giá sốc của iPhone 6 tại Việt Nam chịu ảnh hưởng của rất nhiều yếu tố nhưng đó cũng là minh chứng rõ ràng cho thấy tốc độ trượt giá của smartphone đang ngày càng diễn ra nhanh hơn.
Hàng cũ giảm giá nhanh là thế, hàng mới cũng chẳng khác gì. Hàng tháng, thậm chí hàng tuần, chúng ta có thể liệt kê ra rất nhiều smartphone hạ giá từ vài trăm nghìn đến cả triệu đồng ở đủ mọi phân khúc từ giá rẻ, tầm trung cho tới cao cấp.
Vì đâu smartphone tuột giá nhanh?
Việc điện thoại Andoid có độ trượt giá mạnh có thể được lí giải bởi một số nguyên nhân sau đây:
Thứ nhất là do cuộc “chạy đua vũ trang” của các hãng di động như Samsung, HTC, Sony hay LG, đồng thời còn chứng kiến sự góp mặt của các đại gia đến từ Trung Quốc khác là Huawei, Oppo,… Mỗi năm, họ đều tung ra hàng chục model máy khác nhau trong đó mỗi hãng có không dưới 2 sản phẩm thuộc dòng cao cấp. Điều đó dẫn đến việc, khi sản phẩm mới ra mắt, sản phẩm đời trước trở thành “đồ cổ”. Tốc độ quay vòng một sản phẩm mới càng nhanh, tình trạng trượt giá càng diễn ra mạnh.
Thứ hai, do hãng sản xuất đã thiếu đầu tư vào những tính năng mới cho các sản phẩm của họ. Cảm biến vân tay hay đo nhịp tim dường như không được hữu dụng cho lắm mà chỉ góp phần đẩy giá bán sản phẩm lên cao. Phần nhiều các tính năng mới trên smartphone đều đến từ việc nâng cấp phần mềm vốn được Apple hỗ trợ khả năng nâng cấp cho cả các sản phẩm cũ.
Trong khi đó, phía bên kia Apple, Google cùng đối tác phần cứng của mình cũng đã ráo riết làm hài lòng người dùng của mình bằng những bản cập nhật phần mềm mới. Điện thoại Nexus đã được cập nhật nhanh hơn bao giờ hết mỗi khi Google công bố phiên bản Android mới còn người dùng các flagship Android từ nhiều ông lớn công nghệ như Samsung, HTC hay LG cũng không phải chờ đợi quá lâu để tận hưởng tính năng mới.
Mặt khác, mặt bằng phần cứng smartphone hiện tại cũng đã quá mạnh và đủ phục vụ nhu cầu sử dụng lâu dài từ 2 đến 3 năm. Do vậy, đã qua rồi cái thời mà mỗi khi có 1 smartphone nào đó mới ra, chúng ta lại bị choáng ngợp trước các cải tiến mà hãng sản xuất đã thêm vào bởi vài tính năng nhỏ không đủ hấp dẫn còn những lí do chính đáng lại quá ít không đủ để khiến người dùng mua điện thoại mới.
Buồn vui lẫn lộn
Không thể phủ nhận việc smartphone liên tục giảm giá góp phần mang đến cơ hội cho nhiều người tiêu dùng để thỏa sức mơ ước sở hữu những sản phẩm mà mình khao khát, đồng thời tạo thêm hấp lực thúc đẩy thị trường tăng trưởng. Tuy nhiên, đây thực sự là con dao 2 lưỡi khiến người dùng cần hết sức cân nhắc khi bỏ đồng tiền để chọn mua một chiếc điện thoại mới cho mình, dù đó là hàng chính hãng hay xách tay.
Chẳng riêng người dùng, smartphone giảm giá quá nhanh cũng khiến nhiều cửa hàng kinh doanh điện thoại chịu cảnh điêu đứng. Hẳn là dân buôn điện thoại đã có nhiều bài học đắt giá với iPhone 6 vừa qua hay iPhone 5c năm 2013. Qua đó có thể thấy người dùng ngày nay đã không còn "mù quáng" như xưa mà "thông thái" hơn rất nhiều trong việc bảo vệ túi tiền của mình. Thay vì nhắm mắt đưa tay để tậu sớm chiếc smartphone mà mình đang nhắm tới thì họ sẵn sàng kiên nhẫn chờ thêm một khoảng thời gian không lâu để mua được với mức giá hời hơn rất nhiều. Cũng phải thừa nhận rằng sức ép cạnh tranh trên thị trường điện thoại Việt cũng gay gắt hơn rất nhiều ở cả phân khúc chính hãng lẫn xách tay.
Tạm kết
"Cái khó ló cái khôn" nhưng cái khôn ở đây lại là khôn lỏi là gian lận, nhiều cửa hàng quay ra bán trà trộn cả những chiếc điện thoại dựng với nguồn gốc từ Trung Quốc, tự in nhãn, đóng "seal" giả như thật để đánh lừa khách hàng. Hoặc với điện thoại iPhone, họ sẵn sàng đánh tráo phụ kiện máy bằng các loại sạc, cáp hay tai nghe lô với chất lượng kém để lấy phụ kiện chính hãng có giá bán lẻ tới 700 đến 800 nghìn đồng.
Nếu không tỉnh táo, người dùng lại vô hình chung trở thành nạn nhân của cái bẫy "giá rẻ". Đáng lẽ ra, smartphone giảm giá nhanh thì người dùng phải được lợi hơn cả nhưng với thực trạng thật giả lẫn lộn như hiện nay, không ít người đang lâm vào tình trạng dở khóc dở cười.
Theo Genk.
Bình luận