Samsung sẽ phải đối mặt với khó khăn tại các thị trường mới nổi trong năm 2015.

Samsung từ lâu đã có một đối thủ không đội trời chung là Apple, nhưng “Quả táo” sẽ không còn là lo ngại chính của Samsung trong năm 2015.

Rõ ràng, với những gì đang diễn ra trên thị trường smartphone hiện nay thì mục tiêu hướng đến của gã khổng lồ Samsung trong năm tới sẽ là Trung Quốc và các thị trường mới nổi khác, chứ không phải là Mỹ, “quê hương” của Apple. Những công ty như Xiaomi, Micromax sẽ khiến Samsung lo ngại.

Sự chuyển dịch về mối đe doạ được xem như là một dấu hiệu cho thấy sự thay đổi nhanh đến chóng mặt của ngành công nghiệp smartphone, khi các thị trường mới nổi đóng vai trò chính của tốc độ tăng trưởng. Các thị trường phát triển, như Mỹ, không còn là động lực thúc đẩy doanh thu của các hãng di động. Thay vào đó, các hãng sản xuất di động đang tập trung vào các dòng điện thoại giá rẻ thị trường Trung Quốc và Ấn Độ.

Đối với Samsung, năm 2015 sẽ chứng kiến sự trở lại của hãng trên các thị trường mới nổi, và cạnh tranh trực tiếp với các hãng sản xuất địa phương. Câu hỏi đặt ra là liệu Samsung phải hi sinh điều gì để bước vào cuộc chiến này.

“Samsung vẫn đang có tốc độ tăng trưởng cao với việc kinh doanh trong nhiều ngành nghề từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, bức tranh toàn cảnh của thương hiệu này sẽ không còn lộng lẫy như những năm trước”, Jan Dawson, nhà phân tích của công ty Jackdaw Research, nhận xét.

Samsung từ chối bình luận về đánh giá trên.

Theo số liệu của IDC, 2/3 smartphone xuất xưởng trên toàn cầu hiện nay có giá bán dưới 200 USD. Mặc dù tỉ lệ này sẽ giữ nguyên nhưng số lượng smartphone giá rẻ sẽ tiếp tục tăng mạnh. Trong khi đó, tỉ lệ điện thoại cao cấp, giá từ 500 USD trở lên, như iPhone 6, Galaxy Note 4, sẽ giảm xuống khoảng 14% tổng số smartphone xuất xưởng năm 2018, từ mức 16%.

Riêng tại thị trường Trung Quốc, nơi hầu hết người dân đều tìm mua điện thoại giá rẻ, sẽ chiếm 1/3 tổng doanh số smartphone toàn cầu trong năm 2015.

Các thị trường mới nổi từng là một trong những thế mạnh của Samsung. Mặc dù cuộc chiến dài hơi với Apple trên phân khúc smartphone cao cấp đã khiến Samsung dồn nhiều công sức trong thời gian qua nhưng hãng di động Hàn Quốc vẫn thống lĩnh trên thị trường smartphone giá rẻ vốn không có đối thủ Apple. Samsung đã giành được vị thế vững chắc tại các thị trường quan trọng, trong đó có Trung Quốc, bằng những mẫu smartphone cũ, giá rẻ. Tuy nhiên, Samsung đã tính sai nước cờ của mình bởi người tiêu dùng ở các nước đang phát triển không hề muốn sử dụng các công nghệ cũ và lỗi thời. Họ vẫn muốn smartphone cao cáp với mức giá bán phải chăng, thậm chí là thật rẻ. Thương hiệu mới nổi Xiaomi và một số hãng di động Trung Quốc đã đáp ứng yêu cầu này, nhanh chóng chiếm thị phần của Samsung tại thị trường này.

Samsung đã từng thống lĩnh thị trường smartphone Trung Quốc trong 10 quý liên tiếp trước khi bị Xiaomi “hạ bệ” trong Q2/2014, theo thống kê của Strategy Analytics. Trong Q3 vừa qua, thị phần smartphone của Samsung tại Trung Quốc tiếp tục giảm thêm 9%, xuống còn 13%, so với cùng kì năm ngoái. Tại Ấn Độ, Samsung vẫn tiếp tục dẫn đầu thị trường này với 23% trong Q3 vừa qua, nhưng đã giảm so với năm ngoái. Đối thủ Micromax hiện đan dẫn thứ 2 trên thị trường này với thị phần áp sát 18%.

“Tác động của những tân binh đến từ Trung Quốc đối với thị trường toàn cầu sẽ được thể hiện trong cuộc đua về giá bán”, nhà phân tích Melissa Chau của công ty IDC nhận xét. “Người tiêu dùng không còn phải chi khoản tiền lớn để đảm bảo một thiết bị có phần cứng chắc chắn hay trải nghiệm ấn tượng. Câu hỏi đặt ra bây giờ là mức giá sẽ giảm tới mức nào?”.

Chính tác động từ các đối thủ Trung Quốc đã góp phần khiến doanh thu Q3 của Samsung giảm. Samsung cho biết doanh thu của hãng đã giảm 4 quý liên tục với lợi nhuận hoạt động thấp nhất kể từ Q2/2011. Samsung cũng cho hay doanh thu bộ phận di động trong Q3 đã giảm 74% so với cùng kì năm trước, và dự đoán tình hình sẽ tiếp tục khó khăn trên thị trường smartphone khi mà cuộc cạnh tranh tiếp tục nóng lên vào mùa mua sắm cuối năm 2014.

Cùng lúc đó, các công ty khảo sát thị trường cũng nhận định thị phần smartphone toàn cầu của Samsung đã giảm còn 24% trong Q3/2014, từ mức 32% so với cùng kì năm trước đó.

Để khắc phục tình trạng này, Samsung đã khẳng định sẽ “cải tổ toàn diện” dây chuyền sản phẩm của hãng bằng cách cắt giảm số lượng model ra mắt trong năm 2015. Samsung cũng dự định sẽ ra mắt các mẫu smartphone với “thiết kế đổi mới và chất liệu hoàn toàn mới”, cùng một loạt smartphone từ trung cấp tới giá rẻ để cạnh tranh về giá và phần cứng với các đối thủ.

Ngoài ra, rất có thể Samsung sẽ đẩy mạnh nền tảng Tizen của mình để tăng thị phần tại các thị trường, như Ấn Độ. Tizen được xem là sản phẩm chiến lược giúp hãng giảm sự phụ thuộc đối với nền tảng Android, và cũng giúp hãng cạnh tranh trên thị trường smartphone giá rẻ tại Ấn Độ và Trung Quốc. Samsung dự định sẽ bán điện thoại chạy trên nền tảng Tizen giá 100 USD.

Tuy vậy, không có điều gì là dễ dàng. Samsung sẽ phải hi sinh lợi nhuận nếu muốn giành giật lại thị phần. Trong khi đó, thương hiệu đến từ Hàn Quốc này cũng không thể sao nhãng trên thị trường cao cấp, vốn chiếm phần lớn lợi nhuận của hãng.

Hơn thế nữa, Samsung cũng sẽ phải xác định sẽ đầu tư bao nhiêu vào phát triển phần mềm. Samsung vốn đã dành một khoản ngân sách lớn vào phần mềm, thuê hàng trăm kĩ sư, và thậm chí là xây dựng các bộ phận mới, như Media Solutions Center. Đây là một thế mạnh của Samsung bởi khi thiết kế phần cứng không đủ tạo ra sự khác biệt so với các đối thủ thì phần mềm sẽ là yếu tố quan trọng để người dùng quyết định lựa chọn.

Theo Dân Trí.




Bình luận

  • TTCN (0)