Có lẽ vậy, nhưng kể cả dự đoán đó có đúng đi nữa thì sự lựa chọn của người dùng cũng chẳng dễ dàng hơn chút nào. Có quá nhiều công nghệ khác nhau được các hãng phô diễn trước mắt họ, mà CES 2015 chính là chỉ báo rõ nhất.
Điều duy nhất mà các hãng TV có vẻ thống nhất được với nhau là TV 1080p sắp trở nên lỗi thời và TV 4K sắp trở thành sản phẩm đại trà. Còn ngoài ra, chỉ có công nghệ của họ mới là tốt nhất.
Cuộc chiến máu lửa nhất năm nay hiển nhiên là giữa 2 thương hiệu lớn nhất và bán chạy nhất trên thị trường TV hiện nay: LG và Samsung.
Các quan chức của LG liên tục nhắc đi nhắc lại trong cuộc họp báo hôm qua của hãng, rằng họ có lợi thế nhờ kinh nghiệm dày dạn trong việc sản xuất TV OLED, với những ưu điểm như hiển thị màu tối sâu hơn, màu sắc sống động hơn và tiết kiệm điện năng hơn so với TV LCD truyền thống. Năm nay, LG mang tới CES 7 model TV OLED mới, trong số này có một model 77 inch có thể chuyển từ chế độ màn hình phẳng sang màn hình cong chỉ với một nút bấm.
Ở thái cực đối lập, Samsung lại gặp rắc rối với việc sản xuất TV OLED và không ra mắt bất cứ sản phẩm OLED mới nào ở CES 2015. Thay vào đó, hãng trình diễn một công nghệ mới khác biệt với lời hứa hẹn về "chất lượng hình ảnh vượt trội so độ tương phản khó có đối thủ".
Samsung gọi phát minh này là SUHD, với chữ S đại diện cho Samsung. Đây cũng là lần đầu tiên Samsung ứng dụng công nghệ chấm lượng tử (màn hình với những tinh thể nhỏ hơn 50000 lần so với chiều rộng sợi tóc con người, có khả năng tái tạo màu sắc trung thực và hiển sáng cao gấp đôi so với màn hình TV thông thường).
Mọi chuyện trở nên phức tạp hơn khi LG cũng có dòng TV LCD chấm lượng tử của riêng hãng, nhưng vẫn khăng khăng cho rằng OLED mới là công nghệ hay hơn. Cho đến khi các chuyên gia độc lập tiến hành bài sát hạnh so sánh thì thật khó để mà kết luận hãng nào, LG hay Samsung, mới đúng.
Tuy nhiên, Biên tập viên Tom Parsons của tạp chí Stuff cho rằng, kể cả khi OLED thắng thì định dạng này có thể vẫn thất bại, ít nhất là với TV. "Giá là yếu tố thống trị. Nếu như chỉ có một hãng theo đuổi OLED, thật khó để ép họ hạ giá thành xuống vì làm gì có áp lưc cạnh tranh. Nếu như chất lượng của TV chấm lượng tử tốt tương đương mà lại rẻ hơn, nó sẽ thuyết phục được nhiều người dùng hơn", Parsons phân tích.
Một đại gia của Nhật Bản là Sharp lại lựa chọn cách tiếp cận hơi khác, với một công nghệ được hãng này đặt tên là "Vượt khỏi 4K". Về cơ bản, có thể hiểu là Sharp tìm cách nén nhiều "tiểu điểm ảnh" vào màn hình TV hơn so với các hãng khác. Một điểm ảnh TV thông thường sẽ bao gồm 3 tiểu điểm ảnh xanh lục, đỏ và xanh da trời. Nhưng Sharp sẽ bổ sung thêm một tiểu điểm ảnh màu vàng nữa vào tổ hợp này, sau đó chia mỗi cụm 4 tiểu điểm ảnh thành hai phần, cho phép TV điều khiển từng nhóm 8 tiểu điểm ảnh này một cách riêng rẽ.
Kết quả là một chiếc TV 4K với tổng cộng 66 triệu tiểu điểm ảnh thay vì chỉ 24 triệu tiểu điểm ảnh như bình thường. Sharp khẳng định với mức độ tiểu điểm ảnh này, mắt người sẽ khó lòng phân biệt được đâu là hình ảnh TV với đâu là thế giới thực, kể cả khi họ chỉ đứng cách màn hình vài centimet. "Cảm giác sẽ giống như nhìn qua cửa sổ vậy", họ nói.
Tất nhiên, Sharp không bắt người dùng phải dán mắt vào màn hình. Chuyên gia David Mercer của Strategy Analytics nhận định rằng, thói quen xem TV của người dùng đang thay đổi. "TV càng lớn thì người dùng càng có xu hướng ngồi gần màn hình hơn. Và với TV 4K, chúng tôi phát hiện ra người dùng ngồi sát màn hình hơn hẳn so với TV Full HD".
Trong khi đó, loạt TV 4K mới nhất của Sony lại sử dụng hệ điều hành Android TV mới của Google để làm lợi thế chính. Tất nhiên, họ cũng gây ấn tượng cả về phần cứng, với mẫu TV mỏng chỉ đúng bằng Xperia Z3, con dế mỏng bậc nhất thế giới hiện nay. Điều này là cần thiết bởi sau Sony, nhiều hãng khác như Philips và Sharp cũng chuẩn bị ứng dụng Android TV.
Theo VietNamNet.
Bình luận