Năm 2014, Google bỏ túi 3 tỉ USD tiền mặt mỗi quý, một con số khổng lồ. Tốc độ tăng trưởng trung bình năm của gã khổng lồ đạt 20%. Đây vẫn là cỗ máy thống lĩnh thị trường tìm kiếm. Ngoài ra, Google cũng sở hữu nền tảng di động phổ biến nhất: Android, trang xem video số một hiện nay: YouTube.
Nhưng gần đây, một chuyên gia nhận xét "xanh rờn" rằng "Google đã đạt đỉnh". Đồng nghĩa rằng từ đỉnh cao, chỉ còn một hướng đi duy nhất, đó là đổ xuống. Tạp chí Business Insider đưa ra những lí do chứng minh Google đã bộc phát hết tiềm năng.
Google chỉ có một chiêu duy nhất
Công ty không phân mảnh chi tiết doanh thu kinh doanh, nhưng khoảng 2/3 tổng doanh thu đến từ Google Sites, phần còn lại đến từ các trang đối tác trong mạng lưới Google Network và các mảng kinh doanh khác như phần mềm doanh nghiệp.
Q3/2014, Google thu 11,3 tỉ USD tiền quảng cáo từ trang. Doanh thu YouTube đạt xấp xỉ 1,3 tỉ USD/năm, tương đương chỉ 300 triệu USD/quý, theo thống kê của eMarketer. Các trang khác như Gmail, Google Maps, và Google Finance cũng đóng góp một phần nhỏ doanh thu quảng cáo.
Mạng lưới Google Network chỉ mang về 3,4 tỉ USD, trong khi nó phải trả 2,4 tỉ USD hoa hồng lượt truy cập cho các đối tác. Khoản tiền 1,8% tỉ USD giữ lại cao hơn 50% so với năm 2013, nhưng không thấm tháp vào đâu so với tổng doanh thu.
Tóm lại, có thể khẳng định phần lớn doanh thu và lợi nhuận của Google đến từ quảng cáo. Vậy, hãy xem tình hình hoạt động của mảng này.
Thị phần tìm kiếm của Google đang đi ngang
Google vẫn là ông trùm trong thị trường tìm kiếm, nắm giữ hơn 80% thị phần toàn thế giới, 75% thị phần tại Mỹ nhưng xu hướng này bắt đầu thay đổi. Firefox đã bỏ rơi Google, bắt tay với Yahoo từ cuối năm 2014. Kết quả là Google mất khoảng 4% thị phần Mỹ. StatCounter ghi nhận thị phần Google đang cán đáy thấp nhất trong vòng gần 7 năm.
Trong khi đó, các đối thủ đang nỗ lực bứt phá. Apple có thể sử dụng Bing làm bộ máy tìm kiếm mặc định cho tất cả sản phẩm Apple. Gần đây, Facebook tung ra chức năng tìm kiếm riêng, thay thế rất nhiều lượt tìm kiếm trên trang web.
Tại một số nước đang phát triển, bộ máy tìm kiếm nội địa được xem như một lựa chọn thay thế Google, đặc biệt là Baidu của Trung Quốc. Và người dùng bắt đầu tìm kiếm thông tin sản phẩm tại nơi khác. Quan trọng hơn thị phần tìm kiếm của Google là thị phần tìm kiếm thương mại. Đây là địa hạt trong đó người dùng tìm kiếm thông tin về một sản phẩm.
Những tìm kiếm như trên thúc đẩy người dùng bấm vào quảng cáo, nguồn mang lại doanh thu chính cho Google. Nhưng hiện đang có ngày càng nhiều lựa chọn thay thế Google. Amazon là một ví dụ. Lượng tìm kiếm trên Amazon tăng gần 75% trong trong năm 2014. Amazon cũng tung ra các sản phẩm mới như Fire Tablet và Fire Phone, tích hợp sẵn đường link dẫn đến thông tin sản phẩm.
Người dùng điện thoại thì tìm kiếm từ ứng dụng. Trong năm ngoái, người dùng internet trên điện thoại lần đầu vượt số người truy cập internet trên máy tính. Thời gian sử dụng ứng dụng trên điện thoại của họ cũng tăng 80%. Xu hướng này mang lại lợi thế cho những ứng dụng tìm kiếm trên di động như Yelp, ngược lại, gây bất lợi cho Google.
Ngoài ra, mạng xã hội cũng là nơi ưa thích để người dùng chia sẻ thông tin sản phẩm với bạn bè.
Tận dụng thế mạnh này, Facebook đã xây dựng chức năng tìm kiếm riêng, tích hợp vào News Feed. Còn nỗ lực chen chân vào thị trường mạng xã hội của Google bằng Google+ chưa bao giờ thành công.
Các nhà quảng cáo thắt chặt hầu bao
Trong báo cáo lợi nhuận, số tiền các nhà quảng cáo sẵn sàng chi cho một cú click trên Google đã giảm sút 3 năm liên tiếp. Trong 9 tháng đầu năm 2014, chi phí/click giảm 6% so với cùng kì năm trước.
Facebook bứt lên YouTube
Con gà đẻ trứng vàng tiếp theo của Google là quảng cáo qua video. Công ty sở hữu trong tay trang video nổi tiếng nhất Internet: YouTube. Nhưng Facebook cũng đang kiếm bộn từ quảng cáo video. Mạng xã hội đã tung ra chức năng tự động chơi video, điều các nhà quảng cáo ao ước.
Ngoài ra, Facebook cũng cho phép người dùng tải video lên trang trực tiếp. Tính đến tháng 11 năm ngoái, số lượng video post lên Facebook vượt số video tải lên YouTube lần đầu trong lịch sử.
Tỉ lệ tương tác trên Facebook cũng cao hơn YouTube, lại là một điều khiến các nhà quảng cáo thích thú. Còn có thông tin tiết lộ mạng xã hội này đang câu kéo nhiều ngôi sao trên YouTube.
Android đang mất kiểm soát
Google tung ra hệ điều hành Android, cho phép các công ty phần mềm và nhà mạng được điều chỉnh cho phù hợp nhu cầu. Nhưng nếu một nhà sản xuất muốn bán điện thoại cài nền tảng Android, họ phải đồng ý với nhiều điều kiện, trong đó có dẫn link về trang tìm kiếm và các sản phẩm khác của Google.
Android giữ ngôi vương thị phần thị trường smartphone trong gần 3 năm qua. Tuy nhiên số liệu này cần phải xem xét lại bởi thực tế, 20% điện thoại Android sử dụng nền tảng Android bị bẻ khóa. Rất nhiều trong số đó được chuyển tới các thị trường mới nổi lớn như Trung Quốc và Ấn Độ. Amazon cũng dùng bản Android bẻ khóa cho sản phẩm điện thoại Fire, không dẫn link về dịch vụ của Google.
Theo số liệu của công ty nghiên cứu ABI Research, tốc độ tăng trưởng của Android bẻ khóa tại 93%, cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng chung của Android tại 34% trong năm 2014.
Thậm chí người dùng còn quay lưng với bản cập nhật Android mới của Google, với chỉ 0,1% số máy đang cài bản mới nhất, vừa được tung ra vào tháng 11. Lí do bởi hầu hết các mẫu điện thoại hiện có không đủ cấu hình để chạy, còn nhà mạng thì không hỗ trợ.
Chậm chân trong thị trường đám mây
Năm 2014, Google hạ giá dịch vụ đám mây để cạnh tranh với Amazon. Công ty tung ra thêm nhiều tiện ích cho người dùng, đơn giản hóa bước sử dụng.
Mặc dù vậy, các nỗ lực này chưa phát huy tác dụng nhiều. Google vẫn là nhà cung cấp dịch vụ đám mây số 4 trên thị trường, theo khảo sát tháng 10/2014 của Synergy, sau Amazon, Microsoft, và IBM.
Châu Âu "nóng mắt"
Liên minh châu Âu (EU) đang điều tra Google liên quan đến cáo buộc cạnh tranh không lành mạnh. Google bị nghi lạm dụng vị trí thống lĩnh trong thị trường tìm kiếm và quảng cáo trực tuyến trong nhiều năm qua. Trong tháng Hai, hai bên đã giàn xếp vụ việc. Tuy nhiên Quốc hội châu Âu không hài lòng với phương án trên.
Tháng 12, cơ quan này đã tổ chức một đợt bỏ phiếu, buộc các công ty tìm kiếm phải tách riêng mảng kinh doanh. Mặc dù không chỉ đích danh Google, ai cũng hiểu châu Âu đang nhắm tới gã khổng lồ tìm kiếm này.
Cuộc bỏ phiếu chỉ mang tính chất biểu tượng, nhưng nó sẽ tạo sức ép khiến EU mở lại điều tra nhắm vào hoạt động của Google. EU có quyền phạt Google lên tới 10% doanh thu hàng năm.
Đội ngũ lãnh đạo cấp cao rời bỏ công ty
Về mặt nhân lực, Google đang trải qua tình trạng chảy máu chất xám, từng rút kiệt Microsoft thập kỉ qua. Marissa Mayer là người chịu trách nhiệm thiết kế cỗ máy tìm kiếm của Google từ những ngày đầu. Tức tối khi bị giáng chức, bà rời Google năm 2012, lên ngồi ghế CEO của Yahoo!. Hiện bà đang nỗ lực vực dậy cỗ máy tìm kiếm của Yahoo!, củng cố đơn vị kinh doanh và di động, những bộ phận đối đầu trực diện với Google.
Ông Vic Gundotra, một cựu lãnh đạo Microsoft, từng phát triển hội thảo I/O và Google+, cũng rời Google vào tháng Tư. Nikesh Arora, lãnh đạo thâm niên mảng kinh doanh rời công ty vào tháng Bảy. Andy Rubin, cha đẻ của Android, chuyên gia robot của Google, dứt áo ra đi vào tháng 10.
Những dự án xa vời
Google theo đuổi nhiều dự án quy mô tới không tưởng. Project Loon là dự án đưa Internet đến các nước phát triển bằng bong bóng. Google Fiber nhắm tới phá vỡ thế độc quyền trong thị trường cáp quang, đưa cáp quang tới mọi nhà.
Trong tháng Chín, Google thành lập công ty có tên Calico, nghiên cứu các phương pháp kéo dài tuổi thọ của con người, thậm chí biến họ thành bất tử.
Đó đều là những dự án đáng khuyến khích. Gần đây, Larry Page đã chuyển quyền điều hành hàng ngày cho một lãnh đạo khác để tập trung phát triển chúng.
Nhưng nhìn lại, sản phẩm gây tiếng vang gần đây nhất của Google có lẽ là Gmail, sản phẩm đã hơn 10 năm tuổi. YouTube và Android là hàng mua về. Google TV và Google+ là hai thất bại.
Nếu những dự án xa vời trên không trở thành hiện thực, liệu chúng có làm Google bị phân tán khỏi nền tảng kinh doanh cốt lõi?
Theo Bizlive.
Bình luận