JMA cùng với Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), Cơ quan quản lí đại dương và khí quyển Mỹ (NOAA) cũng như Cơ quan khí tượng Anh là 4 tổ chức trọng yếu giám sát nhiệt độ toàn cầu, đã xác thực 2014 là năm nóng kỉ lục được ghi nhận từ trước đến nay.
Cả 4 cơ quan đã tiến hành các phân tích và đánh giá riêng rẽ, nhưng đều đưa ra cùng kết luận như trên.
Theo JMA, nhiệt độ trung bình năm ngoái ấm hơn 0,27 độ C so với mức trung bình từ năm 1981 tới năm 2010 và hơn 0,63 độ C so với nhiệt độ trung bình của thế kỉ 20.
Cho tới hiện tại, 2014 là năm nóng nhất trong 120 năm qua, kể từ khi các chuyên gia thế giới bắt đầu thường xuyên theo dõi, ghi chép các thay đổi của khí tượng Trái đất.
Các đánh giá mới cũng hé lộ, không có sự giảm tốc tình trạng ấm nóng lên toàn cầu trong thập niên vừa qua, bất chấp những tuyên bố ngược lại của một số nhà nghiên cứu trước đó. Một số người tin có sự giảm tốc vì hiệu ứng thời tiết El Niño bất thường cực điểm năm 1998, năm nóng thứ 2 trong lịch sử được ghi nhận.
Như đã thấy trong biểu đồ trên, các năm sau năm 1998 dịu mát hơn, dẫn tới ý kiến cho rằng tình trạng biến đổi khí hậu đang chậm dần.
Tuy nhiên, dữ liệu cho thấy, mặc dù dịu mát hơn năm 1998, tốp 10 năm nóng kỉ lục đều nằm trong số 16 năm vừa qua. Điều đó chứng tỏ không có sự giảm tốc.
Trước năm 1998, không có năm nào tiến sát gần mức nhiệt độ của 10 năm nóng nhất này.
"Mức nhiệt nóng năm 2014 cũng đáng chú ý vì một lí do khác: sự thiếu vắng của El Niño. Mặc dù nhiệt độ của Thái Bình Dương cao vào năm 2014 nhưng các điều kiện khí quyển không cho phép El Niño hình thành", trích báo cáo trên tạp chí Nature.
Michael Oppenheimer, một nhà khoa học về khí hậu thuộc Đại học Princeton (Mỹ) cũng bày tỏ sự kinh ngạc khi tình trạng nóng kỉ lục lại được ghi nhận trong một năm không có El Niño. Theo ông, đây là dấu hiệu chứng tỏ Trái đất đang nóng lên rất nhanh.
Các chuyên gia nhìn chung nhận định, khí thải CO2 độc hại do các hoạt động của con người đang khiến sự biến đổi khí hậu toàn cầu lên mức báo động.
Bình luận