Dưới đây là những phát kiến công nghệ dự đoán sẽ làm thay đổi viễn cảnh ngành công nghiệp máy tính trong năm nay.
Máy tính mỏng hơn, nhẹ hơn với thế hệ vi xử lí Intel Broadwell
Haswell - thế hệ vi xử lí thứ 4 của Intel đã được hãng tập trung giải quyết vấn đề tiêu thụ điện năng và chủ đề này tiếp tục được phát huy trên dòng chip Core M (còn gọi là Broadwell-Y). Không chỉ tiết kiệm điện hơn, Core M còn cho phép các nhà sản xuất laptop phát triển những mẫu máy không dùng quạt tản nhiệt (fanless), thiết kế siêu mỏng và nhẹ.
Một trong những mẫu máy như vậy là Samsung Ativ Book 9 Ultrabook vừa được giới thiệu tại CES 2015. Do không sử dụng quạt tản nhiệt nên Ativ Book 9 có độ dày chỉ 10,2 mm và thời lượng pin của máy theo Samsung lên đến 10 giờ ở độ sáng màn hình trung bình.
Kẻ dẫn đầu xu hướng mỏng hóa là Apple cũng không bỏ qua cơ hội cạnh tranh với máy tính Windows khi có tin đồn cho rằng hãng sẽ làm mới MacBook Air Retina. Chưa rõ Apple sẽ sử dụng vi xử lí Core M hay Broadwell U. Broadwell U được sản xuất trên tiến trình 14 nm mang lại những ưu điểm tương tự Core M trong khi sở hữu sức mạnh xử lí tốt hơn, có thể so sánh tương đương với các vi xử lí Core i3, i5 và i7.
Windows 10 sẽ thay thế hoàn toàn Windows 8
Windows 10 là hệ điều hành đáng chờ đợi nhất trong năm 2015. Dựa trên những thiếu sót trên Windows 8, Microsoft đã nhanh chóng phát triển Windows 10 để "sửa sai" đồng thời trang bị cho nó những tính năng tốt nhất mà hãng đang có. Với việc phát hành phiên bản Technical Preview ngay trong năm 2014, Microsoft đã lắng nghe người dùng hơn và từ những ý kiến phản hồi qua chương trình Insider Program, công ty sẽ cải tiến và bổ sung những tính năng mà người dùng mong muốn trên phiên bản chính thức dự kiến ra mắt vào cuối năm nay.
Tuy nhiên, vẫn chưa rõ Microsoft sẽ phát hành Windows 10 như thế nào, người dùng sẽ phải mua bản quyền hay thuê bao sử dung như Office 365? Microsoft sẽ tổ chức một hội nghị vào ngày 21 tháng 1 tới hứa hẹn sẽ tiết lộ nhiều tính năng của Windows 10 cho người dùng cuối. Với sự phổ biến của máy tính bảng Android, smartphone cũng như dòng máy tính giá rẻ Chromebook trong những năm gần đây thì Windows 10 đang bị đặt dưới nhiều áp lực để vực dậy thị trường máy tính PC.
Màn hình 4K phổ biến hơn, game thủ cũng được lợi
Giá bán màn hình 4K đã giảm nhiều tính đến thời điểm cuối năm 2014 và dự kiến sẽ tiếp tục giảm trong năm 2015. Dĩ nhiên bạn chưa thể mua 1 chiếc màn hình 4K với giá tương đương màn hình 22" Full HD 1080p vào thời điểm hiện tại nhưng mức giá của nó sẽ rơi xuống tầm $459.
2015 cũng sẽ là năm mà chuẩn HDMI 2.0 sẽ trở nên phổ biến hơn và màn hình 4K khai thác chuẩn này sẽ có tốc độ làm tươi 60 Hz. Ngoài ra, xu hướng đa màn hình dự kiến cũng sẽ bùng nổ trong năm nay khi các thiết kế màn hình viền mỏng lên ngôi và sự hỗ trợ của các công nghệ đồng bộ hình ảnh đa màn hình như AMD FreeSync và Nvidia G-Sync. Với sự cải tiến cả về phần cứng lẫn phần mềm, người dùng đa màn hình đặc biệt là game thủ sẽ có được trải nghiệm hình ảnh tốt hơn.
Chromebook và máy tính giá rẻ trở nên hấp dẫn hơn
Những mẫu laptop dùng Chrome OS của Google có vẫn chưa thể là một mối đe dọa đối với laptop PC truyền thống do nền tảng này còn phụ thuộc nhiều vào Internet và giới hạn nhiều chức năng. Tuy nhiên, Chromebook vẫn đang từng bước mở rộng thị trường, đặc biệt là thị trường giáo dục và doanh nghiệp.
Tại CES 2015, Acer đã ra mắt Chromebook 15 - chiếc máy tính chạy Chrome OS đầu tiên và điều này chứng minh rằng các nhà sản xuất vẫn có kế hoạch phát triển Chromebook theo các định hướng mới trong năm 2015.
Tuy nhiên, Chromebook cũng nhanh chóng vấp phải sự cạnh tranh của các mẫu laptop giá rẻ chạy Windows. Cuối năm 2014, HP đã ra mắt loạt máy tính giá rẻ Stream được xem là sát thủ của Chromebook khi các mẫu máy này đều được cài sẵn Windows 8.1 và đi kèm bộ Office 365 Personal. Không chỉ cạnh tranh về mặt chất lượng phần cứng, máy tính giá rẻ chạy Windows và Chromebook còn cạnh tranh nhau về phần mềm, dịch vụ đám mây và giá trị sử dụng trên giá trị sản phẩm.
Cảm biến sinh trắc và những tiện ích mở rộng trên máy tính:
Công nghệ cảm biến sinh trắc có thể sẽ thay đổi cách bạn đăng nhập vào máy tính và thực hiện hoạt động thanh toán trực tuyến. Nếu như trên điện thoại thông minh, cảm biến sinh trắc (bảo mật vân tay) đã trở thành trào lưu khi nhiều nhà sản xuất lớn như Apple, LG, Samsung, HTC đều đã đưa vào sản phẩm của mình thì máy tính cũng không phải là một ngoại lệ.
Hồi tháng 12, Synaptics đã giới thiệu SecurePad - một loại bàn rê tích hợp cảm biến vân tay. Dựa trên một chuẩn đăng nhập có tên Fido, SecurePad được cho là sẽ mang lại một giải pháp đơn giản và rẻ hơn cho các nhà sản xuất máy tính khi tích hợp bảo mật vân tay vào sản phẩm. Ngoài ra, Intel cũng đang đầu tư cho nhiều công ty bảo mật nhằm phát triển công nghệ bảo mật máy tính dựa trên các dấu hiệu sinh trắc. Intel đã giới thiệu một concept có tên YAP - You Are the Password trong đó người dùng có thể đăng nhập máy tính bằng dấu vân tay, giọng nói hoặc khuôn mặt.
Theo Tinh Tế. Nguồn Techradar.
Bình luận