Các video được cảnh báo không tự động phát như video thông thường mà phải được người dùng click vào. Ngoài ra, Facebook còn chặn hiển thị video, hình ảnh không phù hợp với người dùng dưới 18 tuổi. Một trong những video đầu tiên chịu ảnh hưởng từ quy định mới của mạng xã hội là video quay cảnh viên cảnh sát Ahmed Merabet bị kẻ khủng bố bắn chết tại Paris (Pháp) trong cuộc tấn công tòa soạn báo Charlie Hebdo hồi tuần trước.
Vài năm gần đây, Facebook liên tục bị chỉ trích vì cho phép hiển thị công khai hình ảnh bạo lực, đi ngược lại ý chí của công chúng trong khi nhiều trẻ dưới 13 tuổi (tuổi quy định sử dụng Facebook) đã khai gian để lập tài khoản.
Tháng 8/2014, tranh cãi nổ ra khi ảnh về đầu người bị treo trên cọc tại Syria xuất hiện trên Facebook đã khiến Fosi, một thành viên trong ban cố vấn, yêu cầu thay đổi hoạt động của mình. Stephen Balkam, người đứng đầu tổ chức Fosi, cho rằng Facebook nên hạn chế việc mọi người xem hình ảnh bạo lực mà không được cảnh báo và cần thiết lập cơ chế để người dùng dưới 18 tuổi không thể tìm ra chúng.
Về quy định mới, Facebook sẽ cảnh báo các nội dung do người dùng báo cáo. Các kĩ sư cũng đang tìm kiếm giải pháp tốt hơn trong tương lai, chẳng hạn cảnh báo các video YouTube.
Facebook từng thử nghiệm hành vi tương tự cho các video bạo lực vào tháng 10/2013 sau khi Thủ tướng Anh David Cameron đổ lỗi cho Facebook “vô trách nhiệm khi đăng video chặt đầu mà không có cảnh báo nào”. Sau này, video quay cảnh chặt đầu cũng bị cấm trên mạng xã hội này.
Dù đây là bước đi đáng hoan nghênh, nhà tâm lí học Arthur Casidy vẫn cho rằng, Facebook nên thi hành ngay lệnh cấm clip, ảnh đặc biệt bạo lực. Do nhiều trẻ em đang dùng Facebook, dịch vụ nên thử nghiệm nhiều biện pháp hạn chế hơn.
“Chúng ta biết rằng nếu nói “Đừng làm thế”, chúng vẫn sẽ làm. Chúng muốn nhìn và xem bất luận tính chất thế nào… Và điều đó có khả năng ảnh hưởng đến hành vi của những đứa trẻ, khiến chúng có xu hướng hung hãn hơn”, ông Cassidy nhận định.
Theo ICTnews.
Bình luận