Ngày hôm qua, Microsoft chính thức ra mắt bộ đôi smartphone Lumia giá rẻ mới của mình, chiếc Lumia 532 và Lumia 435. Trước đó, một số model giá rẻ khác cũng đã được ra mắt, như Lumia 535 hay Nokia 215. Trong một thời gian dài, gã khổng lồ xứ Redmond không giới thiệu bất kì một mẫu smartphone cao cấp nào. Lần cuối cùng một smartphone ở phân khúc cao cấp được Microsoft giới thiệu là vào tháng 7/2013, với chiếc Lumia 1020.
Tìm đến phân khúc mới
Phân khúc smartphone cao cấp hiện nay đang chứng kiến cuộc đua tranh giữa Apple iPhone và Samsung, cùng một số nhà sản xuất Android đầu bảng như LG, HTC. Microsoft cũng từng muốn nhảy vào thị trường màu mỡ này với mong muốn có thể thu về những khoản lợi nhuận kếch xù. Tuy nhiên, mong muốn là một chuyện còn hiện thực hóa nó lại là chuyện khác. Doanh số dòng Lumia trong những năm qua cho thấy hãng phần mềm gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc chiến cạnh tranh. Microsoft bán được 50 triệu máy Lumia trong 3 năm (từ tháng 11/2011 đến tháng 11/2014), trong khi Apple chỉ mất 3 tháng để đạt doanh số gần 40 triệu iPhone.
Thực tế này buộc Microsoft phải thay đổi chiến lược. Thay vì cố gắng phát triển những model cao cấp, hãng phần mềm tung hàng loạt model giá rẻ ở các thị trường mới nổi như châu Phi, Ấn Độ, và nhiều nước châu Á khác. Chiếc Lumia 532 có giá bán chỉ 93 USD, còn Lumia 435 thậm chí rẻ hơn, được bán với giá chỉ 81 USD. Những chiếc điện thoại giá rẻ tất nhiên sẽ không thể mang về những khoản lợi nhuận lớn, nhưng đổi lại hãng sẽ dễ dàng hơn trong việc tăng trưởng thị phần Windows Phone. "Ấn Độ là thị trường rất hứa hẹn bởi phần lớn người dùng điện thoại ở nước này chỉ mới chuyển lên smartphone từ điện thoại cơ bản" - hãng nghiên cứu thị trường IDC nhận định.
Song song với chính sách, Microsoft "nuôi dưỡng" các thị trường này bằng các dịch vụ do chính hãng cung cấp. Hãng phần mềm chào đón 2015 bằng chiếc Nokia 215, một mẫu điện thoại chạy nền tảng Series 30 với giá bán chỉ 29 USD. Tuy nhiên, người dùng vẫn có thể sử dụng các dịch vụ của Microsoft như Bing và MSN, bên cạnh các ứng dụng mạng xã hội như Facebook và Twitter. Rõ ràng, Microsoft muốn biến những mẫu smartphone giá rẻ như một cầu nối đưa người dùng đến với các dịch vụ của mình. Thuyết phục người dùng tìm đến Windows Phone để sử dụng các dịch vụ; và theo thời gian, khi người dùng đã phụ thuộc vào các dịch vụ này, hãng mới tính đến nước thuyết phục họ bỏ tiền mua các model cao cấp.
Trong một phát biểu gần đây, Phó Chủ tịch mảng kinh doanh điện thoại tại Microsoft là Jo Harlow cho biết: "Một phần trong chiến lược tăng độ nhận diện của Windows Phone và Lumia là đưa máy đến tay càng nhiều người dùng càng tốt. Phân khúc smartphone giá rẻ sẽ cho chúng tôi cơ hội làm điều này bởi đây là phân khúc có quy mô rất lớn". Thị phần Windows Phone hiện tại vẫn còn rất hạn chế, chỉ chiếm khoảng 3% thị trường mobile, kém xa 83,1% của Android và 12,7% của iOS (theo thống kê của Gartner).
Cạnh tranh khốc liệt
Tuy nhiên, ngay cả ở phân khúc này, Microsoft cũng sẽ vấp phải sự cạnh tranh khốc liệt đến từ hàng loạt đối thủ, nhất là các mẫu Android giá rẻ của các nhà sản xuất đến từ Trung Quốc như Xiaomi hay Huawei. Ngay bản thân các công ty đến từ Mỹ như Motorola hay Google cũng bắt đầu quan tâm đến miếng bánh tưởng chừng chẳng có gì ngon nghẻ này. Hiện Motorola đang bán ra chiếc Moto G với giá chỉ 180 USD, và Moto E có giá 129 USD; trong khi đó Google cũng bắt đầu triển khai dự án Android One giúp đưa smartphone Android có giá 100 USD đến các thị trường đang phát triển. Samsung cũng vừa ra mắt smartphone chạy Tizen đầu tiên ở Ấn Độ với giá 90 USD.
Theo nhà phân tích Carolina Milanesi của hãng nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel, "vấn đề nằm ở chỗ các mẫu Android tầm trung là sự lựa chọn tốt hơn cho người dùng". Tuy nhiên, Microsoft tin rằng họ có những lợi thế mà đối thủ không có. Ngoài việc được sử dụng các dịch vụ của Microsoft, người dùng sẽ được nâng cấp hệ điều hành thường xuyên thay vì bị bỏ rơi như trên Android.
Ở phân khúc cao cấp, Microsoft đã im hơi lặng tiếng trong một thời gian khá dài. Chiếc Lumia cao cấp mới nhất mà hãng ra mắt đã là từ tháng 7/2013 (Lumia 1020). Máy nhận được sự đánh giá cao từ giới chuyên gia nhờ camera 41 Mpx cho khả năng chụp ảnh xuất sắc. Tuy nhiên, với người dùng phổ thông, từng đó là chưa đủ để họ phải bỏ tiền mua sản phẩm, kết quả là doanh số bán không cao như Microsoft mong đợi.
Thực trạng mà Lumia 1020 gặp phải một lần nữa cho thấy việc chen chân vào phân khúc cao cấp là điều không hề dễ dàng. Tuy nhiên, nếu muốn tham vọng gây tiếng vang thương hiệu, hãng phần mềm bắt buộc phải tiếp tục cuộc đua ở phân khúc này. Một chiếc Lumia cao cấp sẽ giúp Microsoft chứng minh rằng không chỉ có Apple hay Samsung áp dụng được các công nghệ tiên tiến nhất lên smartphone.
"Microsoft đang chờ Windows 10 để ra mắt một chiếc Lumia cao cấp, tức là còn một thời gian khá dài nữa", nhà phân tích Dawsoncủa Jackdaw Research cho biết.
Theo ICTnews.
Bình luận