Mải mê với không gian ảo nhiều người không còn biết đến sự hiện diện của những giá trị thật.

Sống trong thế giới hiện đại, con người đi trên dây giữa lằn ranh của ảo và thực, chỉ cần nghiêng quá về bên ảo, có thể rơi và những giá trị thật, vì thế cũng mất đi.

Nhìn từ xã hội...

Theo tính toán của một công ty viễn thông, ở nước ta có chừng 37 triệu người sử dụng Internet và khoảng 20 triệu người thường xuyên dùng điện thoại thông minh (smartphone). Không thể phủ nhận vai trò tích cực của các phương tiện truyền thông kĩ thuật số với cuộc sống của con người.

Chỉ nói riêng về smartphone, nó có hệ điều hành như một chiếc máy tính nhỏ, đem lại nhiều tiện ích cho người sử dụng. Khó có thể hình dung cuộc sống sẽ thế nào nếu bỗng thiếu đi những chiếc máy tính tí hon di động, dù chỉ một ngày? Chiếc điện thoại dù nhỏ bé nhưng có vai trò không hề nhỏ khi nó giúp hình thành nên nền kinh tế chia sẻ, xoay quanh sự tiện ích của phương thức giao tiếp thông minh, vô cùng nhanh chóng và hiệu quả này.

Nhưng giống như hầu hết mọi đồ vật quanh ta, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, những hình thức giao tiếp qua mạng xã hội cùng với những tiện ích, là những tác hại không nhỏ khi lạm dụng nó, thậm chí một số đắm chìm vào thế giới ảo mà trở nên thờ ơ, xa lạ với thế giới thực chung quanh.

Đời sống hằng ngày đã xuất hiện những cảnh tượng trước kia chưa từng có. Ở một bến xe buýt, hàng chục người đứng đợi chẳng ai nói chuyện với ai, mỗi người chăm chú nhìn vào chiếc điện thoại của mình, tay bấm nhoáy liên tục. Hay ở không gian nghiêm túc như một cuộc họp, hội nghị, cũng không khó bắt gặp cảnh, người phát biểu cứ phát biểu, người nghe cứ cắm cúi vào thiết bị cầm tay, chẳng hiểu có lọt vào tai câu chữ nào không? Rồi phạm vi cuộc gặp gỡ đối tác hay bạn bè, mỗi người cũng khư khư một điện thoại hay máy tính, cắm cúi vào đó suốt buổi...

Ai cũng muốn sống khỏe mạnh, hạnh phúc nhưng cuộc sống của con người có hạnh phúc hay không phụ thuộc rất nhiều vào mối quan hệ với những người chung quanh. Cách đây không lâu, ở Nhật Bản, có những doanh nghiệp khuyến khích nhân viên ở một số vị trí làm việc, có thể làm việc từ xa thông qua Internet. Theo tính toán, cách này vừa giảm chi phí cho doanh nghiệp vừa giảm chi phí xã hội mà lại tiện lợi cho người lao động. Nhưng không ngờ, chỉ sau một thời gian, tỉ lệ người mắc bệnh trầm cảm do làm việc độc lập, không giao tiếp tăng vọt.

... đến cuộc sống gia đình

Có thể nói sự lạm dụng đến mức phụ thuộc vào các loại hình giao tiếp qua mạng Internet, hay smartphone hiện nay đã trở thành một căn bệnh nan y và nó đang âm thầm gây hậu quả nghiêm trọng trong đời sống con người. Bây giờ, dường như những cái màn ảnh nhỏ bé đã cuốn hút mỗi thành viên gia đình vào thế giới riêng, đến nỗi quên cả sự hiện hữu của những người thân bên mình.

Một trường hợp tôi quen biết - nhà anh Q. ở tầng 11, chung cư Trung Hòa Nhân Chính - Hà Nội có ba thế hệ sống cùng nhau. Một ngày cuối tuần tôi đến thăm nhà anh ấy, thật ngạc nhiên khi thấy ai cũng đang tập trung vào chiếc điện thoại hay máy tính bảng của mình. Lẽ ra đó là dịp đông đủ cả nhà để mọi người hỏi han, chia sẻ mọi điều, cùng chơi với con trẻ. Hình ảnh này khiến tôi liên tưởng đến một bài báo hài hước ở nước ngoài dùng cụm từ "bộ lạc cắm đầu" để chỉ những "tù nhân" của các phương tiện thông tin kĩ thuật số.

Đối với bầu không khí gia đình, sự giao tiếp giữa các thành viên vô cùng cần thiết. Các nhà tâm lí gia đình cho rằng một đôi vợ chồng nếu có thể gọi là hạnh phúc ít nhất phải nói chuyện với nhau trung bình từ nửa giờ đến một giờ mỗi ngày. Đó là cách duy nhất để chia sẻ tâm tư tình cảm với nhau, nắm bắt được những mong muốn của nhau và từ đó mới đáp ứng được những nhu cầu của người bạn đời. Hôn nhân có thành công hay không là ở chỗ đó. Nếu mỗi người ôm một cái smartphone hay tablet nhắn tin hay chat với người ở xa mà không giao tiếp với người cùng sống với mình và điều đó trở thành một thói quen, thì tình yêu bắt đầu tàn lụi, tạo khoảng trống cho "kẻ thứ ba" xen vào.

45% những người được hỏi khẳng định rằng, nguyên nhân họ ngoại tình là do đối tác của họ sử dụng quá nhiều thời gian cho đồ công nghệ. Kết quả được công bố trong một nghiên cứu của trang web Victoria Milan, một trang web hẹn hò dành cho những người đã có gia đình cho biết, những chiếc smartphone đang tạo ra khoảng cách giữa các cặp vợ chồng. Người ta dùng điện thoại ngay cả trong bữa ăn, trong khi đang chuyện trò.

Đã có khoảng 6.000 người tham gia cuộc khảo sát này. Phụ nữ ở độ tuổi từ 30 đến 50 là những người dễ ngoại tình nhất với lí do đối tác hôn nhân của họ là những "con nghiện" smartphone. Trong khi đàn ông cũng than phiền rằng, vợ họ mê nói chuyện qua điện thoại hơn là quan hệ với chồng. Tại sao hai người chung sống một nhà lại không thích nói chuyện với nhau bằng nói với cái điện thoại?

Đừng quá lệ thuộc vào công nghệ số

Theo nghiên cứu của một công ty điện thoại, số người Việt Nam sử dụng smartphone đã tăng lên đáng kể trong mấy năm qua và con số này vẫn đang tiếp tục gia tăng. Tỉ lệ thời gian người Việt Nam dành cho điện thoại hiện đã cao hơn tỉ lệ trung bình trên thế giới. Bạn hãy thử nhìn lại chính mình xem đã thuộc vào loại "nghiền" đồ công nghệ chưa? Nếu bạn thấy cuộc sống của mình đã lệ thuộc quá nhiều vào công nghệ, đến mức để cho cái ảo lấn át cái thực thì bạn cần phải điều chỉnh ngay. Đừng để mình trở thành kẻ vô cảm với những người sống quanh mình.

Trước mắt, bạn phải ưu tiên cho bất cứ cơ hội nói chuyện trực tiếp nào, tạm gác những cuộc điện thoại hay nhắn tin lại. Hai là, không bao giờ bạn vừa nghe người khác nói chuyện vừa nhìn vào điện thoại. Ba là, không sử dụng các công cụ công nghệ truyền thông quá 60 phút mỗi ngày khi đang sống trong gia đình. Hi vọng bạn sẽ cảm nhận được cuộc sống thực ở đây, ngay lúc này, trước khi những người thân chung quanh rời bỏ bạn.

Để kết bài, lại nhớ đến A. Anhxtanh (Albert Einstein) từ thời của mình, đã phải thốt lên rằng: "Tôi sợ đến một ngày công nghệ lấn át sự giao tiếp giữa con người với con người. Thế giới sẽ chỉ toàn những cỗ máy". Xem ra ngày ấy không còn xa, nếu người sử dụng Internet không thức tỉnh, lúc này.

Theo Nhandan.




Bình luận

  • TTCN (0)