Một trong những điểm nhấn chính trong buổi Đối thoại chính sách CNTT-TT Việt Nam – Nhật Bản diễn ra ở Hà Nội sáng 16/1 là đề xuất của Thứ trưởng Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản Yasuo Sakamoto về việc Bộ TT&TT hợp tác tổ chức hội thảo giới thiệu truyền hình thông minh (truyền hình thế hệ mới – 4K, 8K) tại Việt Nam vào tháng 3/2015.
Ông Yasuo Sakamoto cho biết công nghệ truyền hình thông minh là sự kết hợp giữa truyền hình với Internet đem lại hiệu quả kinh tế rất cao cho đời sống xã hội. Truyền hình thông minh có 5 đặc điểm chính gồm: cung cấp dịch vụ truyền hình kết nối Internet; có chức năng liên kết với điện thoại thông minh để cung cấp thông tin với giá trị gia tăng cao (có thể nhắn tin cảnh báo động đất - PV); sử dụng tiêu chuẩn kĩ thuật cao nhất thế giới để cung cấp các dịch vụ truyền hình; tiêu chuẩn kĩ thuật được phát triển theo cơ chế mở để mọi doanh nghiệp, tổ chức đều có thể tham gia đa dạng hóa nội dung; đảm bảo an toàn an ninh và sự yên tâm cho người sử dụng. Hiện đã có hơn 100 hãng tham gia hoàn thiện tiêu chuẩn cho công nghệ truyền hình thông minh của Nhật.
"Bộ Nội vụ & Truyền thông Nhật Bản đã dành ngân sách cho hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ truyền hình thế hệ mới. Công nghệ truyền hình thông minh 4K đã được Nhật Bản triển khai thử nghiệm từ tháng 6/2014, sang năm 2015 sẽ phát chính thức, có riêng kênh 4K. Theo kế hoạch, năm 2016 sẽ phát thử nghiệm truyền hình 4K, 8K; năm 2018 sẽ phát chính thức truyền hình 4K, 8K. Dự kiến năm 2020, nhiều người dân Nhật Bản và nước ngoài sẽ xem được các chương trình thi đấu ở Tokyo Olympic với hình ảnh chân thực thông qua truyền hình 4K, 8K", Thứ trưởng Yasuo Sakamoto nói.
"Một trong những điểm lưu ý khi triển khai truyền hình 4K, 8K là cần nghiên cứu, xem xét để sản xuất các loại TV đáp ứng được việc phát 4K, 8K qua vệ tinh. Muốn làm được điều này thì cần sự hợp tác "3 trong 1", kết hợp giữa nhà đài – người dân – các công ty sản xuất nội dung. Nếu các nhà chế tạo TV không làm được TV đáp ứng nhu cầu phát 4K, 8K, hoặc người dân không sử dụng truyền hình 4K, 8K thì việc nghiên cứu phát triển ra công nghệ truyền hình 4K, 8K cũng không có ý nghĩa gì", ông Yasuo Sakamoto chia sẻ kinh nghiệm.
Trước những thông tin ấn tượng về công nghệ truyền hình mới của Nhật Bản, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng nói: "Trong khi Việt Nam vẫn đang loay hoay với số hóa truyền hình thì Nhật Bản đã phục vụ người dân dịch vụ truyền hình 4K, 8K. Rất mong Nhật Bản chia sẻ kinh nghiệm để Việt Nam có thể triển khai nhanh số hóa truyền hình. Phải số hóa truyền hình xong rồi thì mới tính được chuyện triển khai 4K, 8K".
Được biết tại cuộc gặp với Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son trước khi tham dự buổi Đối thoại chính sách CNTT-TT Việt Nam – Nhật Bản, Thứ trưởng Yasuo Sakamoto cũng đã đề xuất Bộ TT&TT phối hợp tổ chức hội thảo giới thiệu về công nghệ truyền hình thông minh của Nhật Bản tại Việt Nam vào tháng 3/2015. Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đánh giá cao đề xuất này và yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan của Bộ TT&TT tích hợp tham gia chuẩn bị cho sự kiện này.
Liên quan tới câu chuyện số hóa truyền hình, Thứ trưởng Yasuo Sakamoto cho biết thêm: "Nhật Bản đã phải mất 10 năm mới thực hiện xong số hóa truyền hình, đặc biệt gặp khó khăn trong 2 năm cuối, khi áp dụng các tiêu chuẩn châu Âu khác hẳn với các tiêu chuẩn Nhật Bản. Hiện đã có tài liệu về việc hoàn thành số hóa trong 10 năm tại Nhật. Nhật Bản sẵn sàng chia sẻ với Việt Nam kinh nghiệm cũng như những bài học rút ra trong việc số hóa truyền hình".
Đối thoại chính sách CNTT-TT Việt Nam – Nhật Bản diễn ra ở Hà Nội sáng 16/1 là một trong những hành động cụ thể để thực hiện Biên bản ghi nhớ giữa Bộ TT&TT Việt Nam với Bộ Truyền thông & Nội vụ Nhật Bản được kí năm 2013. Buổi đối thoại chia làm 3 phiên tập trung bàn thảo về 3 lĩnh vực gồm CNTT, Phát thanh truyền hình, và Bưu chính.
Theo ICTnews.
Bình luận