12/01/2015: IS hack Twitter và Youtube của Bộ Tư lệnh Mỹ

"Hỡi những người lính Mỹ, bọn ta đang đến đây, hãy cẩn thân, kí tên ISIS". Đó là những dòng chữ ghi lại trên mạng xã hội Twitter của quân đội Mỹ tại khu vực Trung Đông. Nhóm hacker này tự xưng là "những người đồng cảm với IS".

Quân đội Mỹ xác nhận thông tin này và cho biết tài khoản của họ "bị chiếm dụng" trong vòng 30 phút. Tờ CNN nói đây là sự hổ thẹn lớn cho quốc gia có lực lượng quân sự mạnh nhất thế giới. FBI đang điều tra vụ việc này.

Người phát ngôn của Lầu Năm góc, đại tá Steve Warren lại cho rằng đây giống như một trò đùa hơn là hành động phá hoại, theo CNN. Bộ quốc phòng Mỹ cũng khẳng định mọi việc đã được xử lí và vụ việc này không để lại hậu quả gì nghiêm trọng.

Tuy nhiên, tờ báo của Mỹ cũng chưa chắc chắn liệu trong tương lai sẽ có thêm vụ việc tương tự nào xảy ra với quốc gia này hay không.

25/11/2014: Vụ hack hãng phim Sony Pictures

Đây là vụ tấn công mạng "tốn giấy mực" nhất thế giới trong năm 2014. Hãng phim Sony Pictures là công ty con tại Mỹ của Tập đoàn điện tử Sony của Nhật. Các hacker đã đột nhập vào hệ thống cơ sở dữ liệu của hãng phim này sau đó công bố những dự án còn chưa được ra mắt công chúng.

Nổi bật trong số những tiết lộ của các hacker là bộ phim "The Interview" lấy cốt truyện là việc hai điệp viên CIA được giao nhiệm vụ ám sát nhà lãnh đạo Kim Jong-un của Triều Tiên. Bộ phim sau đó được cho là đã gây thêm căng thẳng giữa Mỹ và quốc gia châu Á. Nó từng bị hoãn công chiếu nhưng cuối cùng vẫn được phát hành thông qua Youtube và hệ thống iTunes.

19/11/2014: Bộ Ngoại giao, Nhà Trắng bị hack

Hồi giữa tháng 11 vừa qua, 3 cơ quan điều hành của Mỹ liên tục bị các hacker quốc tế "hỏi thăm". Đầu tiên, những cơ sở dữ liệu chứa số điện thoại và các tài khoản email liên lạc với Sở bưu chính đã bị lộ.

Ngay sau đó, Bộ Ngoại giao nước này được cho là phải đóng cửa tạm thời để rà soát lại hệ thống và nâng cấp bảo mật vì phát hiện được những "hoạt động đáng lo ngại".

"Gần đây, Bộ đã phát hiện được một số hành vi khả nghi nhằm vào hệ thống thư điện tử không nằm trong diện tối mật của cơ quan này. Tuy nhiên, các hệ thống tối mật không bị ảnh hưởng gì bởi sự cố", trang tincông nghệ NextGov dẫn lời một vị quan chức của Bộ cho hay.

Tuần sau đó, đến lượt Cơ quan quản lí khí quyển và đại dương bị đột nhập vào các cơ sở dữ liệu. "Một cuộc tấn công có nguồn gốc từ Internet" đã đánh sập 04 địa chỉ website của cơ quan này. Những hacker Trung Quốc được cho là thủ phạm của vụ việc này.

07/10/2014: Các tập đoàn lớn của Mỹ bị hack

Giám đốc FBI, James Comey đã có những phát biểu gây xôn xao dư luận khi cho rằng hầu hết các tập đoàn lớn tại xứ sở cờ hoa đều đang bị đánh cắp dữ liệu. Thủ phạm được cho là các hacker Trung Quốc và hàng tỉ USD bị tiêu tốn hàng năm vì hành động này.

Ông Comey đưa ra một dẫn chứng cho phát ngôn của mình khi nhắc đến vụ việc 05 thành viên từ Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa bị cao buộc các hành động nhằm vào các công ty Mỹ nhằm tìm ra các bí mật doanh nghiệp.

Cũng theo lời vị lãnh đạo này, nhờ những thông tin hacker mang về, chi phí nghiên cứu và phát triển công nghệ mới của quốc gia châu Á sẽ được cắt giảm đáng kể. Tuy nhiên, ông cũng khẳng định, những hành động này vô cùng dễ để phát hiện.

Từ tháng 02/2014: Các công ty lớn của Mỹ bị hack

Home Depot: công bố ngày 9/2 Công ty công bố thông tin 56 triệu thẻ tín dụng bị đánh cắp cùng với 53 triệu địa chỉ email của khách hàng.

JPMorgan: công bố ngày 27/8 Ngân hàng lớn nhất của Mỹ cho biết hacker đã cuỗm thông tin của 76 triệu khách hàng gia đình và 7 triệu khách hàng doanh nghiệp nhỏ.

eBay: công bố ngày 21/5 Thông tin cá nhân của 145 triệu khách hàng đã bị đánh cắp.

Theo VTC.




Bình luận

  • TTCN (0)