Nhà sản xuất điện thoại mang tính biểu tượng của Canada bán ra sản phẩm mang thương hiệu BlackBerry đầu tiên vào ngày 19/1/1999. Đó là chiếc BlackBerry 850, có thể thực hiện các chức năng nhận, gửi email và duyệt web với màn hình đơn sắc.
Vào những năm 2007 - 2008, RIM trở thành công ty có giá trị lớn nhất sàn giao dịch chứng khoán Toronto, với giá trị thị trường lúc đó vượt mốc 67 tỉ USD. Mức giá cổ phiếu của RIM cũng đạt mức cao nhất trong lịch sử, với 149,9 USD/cổ phiếu. Đây là thời kì đỉnh cao của RIM với lượng người dùng BlackBerry vượt mốc 10 triệu người.
Các thiết bị BlackBerry được biết đến với bàn phím QWERTY và hệ điều hành BlackBerry cùng các dịch vụ Bis, Bes và Push mail… đã đưa BlackBerry trở thành lựa chọn số một cho doanh nhân.
Nhưng cùng thời điểm đó, Apple đã cho ra mắt chiếc iPhone thế hệ đầu tiên, đặt nền móng cho một cuộc cách mạng trong lĩnh vực di động. Cặp đôi CEO của RIM lúc đó là Mike Lazaridis và Mike Balsillie đã thiếu cái nhìn nghiêm túc về thiết bị trong tương lai sẽ cướp đi thị phần của BlackBerry.
Trước khi Apple giới thiệu chiếc iPhone 3G, RIM phát hành chiếc BlackBerry Bold 9000. Siêu phẩm của RIM tại thời điểm đó có bàn phím QWERTY, trackpad quen thuộc nhưng không có màn hình cảm ứng. Tiếp đó, BlackBerry kết hợp với nhà mạng Verizon của Mỹ bán ra chiếc BlackBerry Storm. Sau những lời quảng cáo cùng sự kì vọng của người dùng lẫn giới phân tích, bộ đôi sản phẩm này đã trở thành bom xịt khi không thể cạnh tranh được với iPhone 3G.
Năm 2010, BlackBerry phát hành chiếc máy tính bảng PlayBook vào ngày 19/4. Áp lực về thời gian (Apple phát hành chiếc iPad thế hệ đầu tiên) đã buộc RIM phải đưa nó ra mắt quá sớm trong khi còn thiếu rất nhiều ứng dụng cơ bản như email, danh bạ, lịch làm việc. Thậm chí BlackBerry Messenger, phần mềm nhắn tin nổi tiếng của hãng cũng không có. Và theo vết xe đổ của chiếc Storm, PlayBook trở thành một thất bại khó có thể chấp nhận được của RIM ở thị trường máy tính bảng.
2012, hãng cho ra mắt chiếc BlackBerry Bold 9900. Sản phẩm kế nhiệm chiếc Bold 9000 với màn hình cảm ứng. Nhưng thiết bị cũng không cứu vãn được thị phần đang ngày càng sụt giảm của BlackBerry. RIM thực sự bị khủng khoảng khi cùng năm đó, hai vị CEO lâu năm tuyên bố từ chức và được thay thế bởi Thorsten Heins. Ngay sau khi nhậm chức, vị CEO mới đã cắt giảm nhân sự cũng như phát triển nền tảng di động BlackBerry 10. Nền tảng kì vọng giúp RIM vượt qua cuộc khủng hoảng này.
Thời gian Thorsten giữ vị trí CEO cũng không được bao lâu khi mà BlackBerry 10 không được thế giới đón nhận. Các sản phẩm chạy hệ điều hành BlackBerry 7 vẫn được chào đón. Thị phần BlackBerry xuống mức cực thấp đã khiến Thorsten nhường lại vị trí CEO cho John Chen vào đầu năm 2013.
Chen ngay sau khi nhậm chức đã đưa ra một thỏa thuận với Foxconn. BlackBerry chịu trách nhiệm sản xuất phầm mềm, còn phần cứng, thiết kế do Foxconn đảm trách. Với thỏa thuận này, Foxconn đã giúp BlackBerry giảm thiểu chi phí sản xuất cũng như rút ngắn chu kì phát triển sản phẩm. Nhiều nhà phân tích đánh giá, Chen đã đi một nước cờ chính xác.
Sản phẩm đầu tiên của liên minh này là chiếc BlackBerry Z3 đã nhận được những phản hồi tích cực. Tiếp đó, BlackBerry phát hành siêu phẩm BlackBerry Passport đồng thời với các thiết bị giá rẻ với bàn phím QWERTY cổ điển và trackpad.
Có những tin đồn rằng Samsung muốn mua lại BlackBerry với giá 7,6 tỉ USD, nhưng BlackBerry đã bác bỏ tin đồn trên. Dưới sự dẫn dắt của Chen, nhiều khả năng BlackBerry sẽ trở lại giai đoạn hoàng kim của mình.
Theo Zing.
Bình luận