Kiểm tra chất lượng hình ảnh tivi trên dây chuyền lắp ráp tivi tại Công ty Sony VN những ngày đầu thành lập-Ảnh: N.C.T.

Sự kiện Sony VN đóng cửa nhà máy sản xuất với nhiều người không là chuyện lạ bởi chuyện này từng được biết trước và đã xảy ra ở nhiều nước. Có rất nhiều ý kiến khác nhau xoay quanh sự kiện này.

Ông Trần Quang Hùng (tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử VN):

Họ đã tính toán hay hơn chúng ta

Khi các nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu liên doanh với các doanh nghiệp VN để lắp ráp sản phẩm điện tử tiêu dùng, những người có chút am hiểu đã cảnh báo về loại hình này, lợi nhuận nhiều nhưng công việc đơn giản, công nghệ không cao. Nền công nghiệp điện tử VN không được hưởng lợi gì nhiều từ các hình thức liên doanh lắp ráp này, ngoài một vài kinh nghiệm ít ỏi về quản lý chất lượng và tiếp thị.

Thực tế sau hơn mười năm hoạt động, khi họ rút đi chúng ta chỉ còn lại những nhà xưởng trống rỗng vốn đã có trước khi liên doanh. Không nên trách các nhà đầu tư nước ngoài về sự việc vừa qua khi họ đã tính toán hay hơn chúng ta về bài toán "liên doanh lắp ráp": sử dụng nhà xưởng, dây chuyền sản xuất của đối tác VN, lao động rẻ và tận dụng tối đa chính sách bảo hộ về thuế suất nhập khẩu linh kiện của Chính phủ VN.

Không những vậy, họ còn dự đoán khá chính xác thời điểm VN hội nhập AFTA và WTO để khi thành lập liên doanh (năm 1994), họ chỉ xin phép hoạt động trong thời hạn mười năm. Và khi các cam kết AFTA, WTO về thuế nhập khẩu sản phẩm điện tử nguyên chiếc và mở cửa cho các nhà phân phối nước ngoài của VN có hiệu lực thì họ ngừng sản xuất, chuyển qua nhập khẩu để bán sản phẩm là điều dễ hiểu.

Ông Lê Văn Chính (cố vấn kỹ thuật Công ty cổ phần truyền thông Sơn Ca - Soncamedia):

Cần tránh những vết xe đổ...

Chúng ta đã có một thời gian dài bảo hộ ngành lắp ráp bằng cách đánh thuế rất cao sản phẩm điện tử nhập nguyên chiếc. Hệ quả là các đại gia điện tử khổng lồ phải nhảy vào VN bằng con đường thành lập các liên doanh lắp ráp công đoạn cuối để hưởng lợi nhờ chênh lệch thuế và tranh thủ xí chỗ thị phần nội địa.

Phần lớn các dự án đầu tư này đều mang tính hình thức, "ăn xổi ở thì” đối phó với chính sách. Không chỉ riêng Sony VN mà các liên doanh khác cũng có những dây chuyền lắp ráp các sản phẩm cao cấp như máy ảnh số, máy quay phim, tivi LCD thuộc vào loại có quy mô đạt kỷ lục... nhỏ nhất thế giới(!). Chúng ta không có công nghiệp sản xuất, chỉ có lắp ráp đối phó. Có người ví von linh hồn của các dây chuyền lắp ráp kiểu này là chiếc tuôcnơvit và một vài thiết bị kiểm tra công đoạn cuối.

Không còn bảo hộ, các đại gia liên doanh rút đi là điều tất yếu. Điều này chẳng có gì sai và cũng chẳng có tác động nào đáng kể đối với ngành công nghiệp điện tử VN, bởi chẳng ai tính toán quy mô ngành công nghiệp dựa vào một vài dây chuyền lắp ráp thô sơ. Mất đi "công nghệ" đó không làm VN thụt lùi trong bản đồ đẳng cấp công nghệ thế giới.

Theo tôi, đây không phải là lúc chúng ta ngồi chì chiết lẫn nhau qua bài học Sony VN. Vấn đề là phải sáng suốt lựa chọn hướng đi cho ngành công nghiệp điện tử tương lai VN. Với ngành công nghiệp điện tử, cơ hội không bao giờ mất, vẫn còn quá nhiều cơ hội đang đón chờ phía trước. Vấn đề là cần tránh những vết xe đổ của các nước cùng hoàn cảnh VN đã đi qua.

Ông Nguyễn Văn Đạo (phó tổng giám đốc Công ty điện tử Samsung Vina):

Hãy tận dụng cơ hội "thầu phụ”

Sự cáo chung của giai đoạn đầu tư thứ nhất đã khá rõ và cũng không nên tiếc nuối. Vấn đề bây giờ chúng ta phải nhìn làn sóng đầu tư thứ hai sẽ mang gì đến cho VN, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ điện tử.

Với các dự án đầu tư vài trăm triệu USD trở lên, bắt đầu mạnh mẽ đổ vào VN từ năm 2007 trở đi, với các đại gia thực thụ của ngành công nghiệp điện tử trên toàn cầu như Intel, Compal, Foxconn, Samsung... không chỉ thay đổi về lượng (số vốn đầu tư) mà thay đổi về cả chất (chiều sâu đầu tư). Sự thay đổi rõ nét nhất có thể thấy khi các dự án đầu tư nói trên đã đi vào hướng đầu tư có chiều sâu, đầu tư một cách đúng nghĩa vì có lợi cho nhà đầu tư một cách tự nguyện.

Việc quyết định đổ vốn đầu tư vào VN giai đoạn này cũng là một cách xác lập VN trở thành một mắt xích trong chuỗi sản xuất toàn cầu và được chính các đại gia này lựa chọn, ngành công nghiệp điện tử VN sẽ "phân công" công đoạn nào trong chuỗi mắt xích này. Đặc biệt, khi các dự án đầu tư lớn vào VN sẽ kéo theo rất nhiều những nhà sản xuất, nhà cung cấp phụ trợ đi cùng. Đây là thời điểm thích hợp để các doanh nghiệp điện tử trong nước tham khảo, tìm hiểu, nghiên cứu để tận dụng những nhà thầu phụ này trong việc nghiên cứu sản xuất của mình.

Doanh nghiệp trong nước có thể đi theo mô hình "SOHO" (small office, home office) với quy mô công ty nhỏ gọn, ít thành viên, sử dụng việc nghiên cứu và kết hợp với ứng dụng công nghệ của thế giới vào những sản phẩm mang tính cạnh tranh.

(Theo Tuoitre)



Bình luận

  • TTCN (0)