Vietnamobile nhắm đến đối tượng khách hàng trẻ.

Tính đến hết năm 2014, số thuê bao di động 2G và 3G của Vietnamobile có khoảng 15 triệu thuê bao. Tại một số tỉnh thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Vietnamobike đã đạt độ đường truyền 3G là 42Mbps.

Trước đó, Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng cho rằng, mạng Vietnamobile ra đời với sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài đã tạo sự cạnh tranh tích cực trên thị trường viễn thông di động Việt Nam, đồng thời mang đến cho người dùng thêm một lựa chọn dịch vụ chất lượng và giá cước tốt. Thứ trưởng Lê Nam Thắng nhận định, trong giai đoạn tới thị trường viễn thông di động vẫn hoạt động cạnh tranh mạnh. Thêm vào đó các dịch vụ OTT cũng xuất hiện nhiều hơn và đang tác động trực tiếp đến doanh thu của các dịch vụ viễn thông truyền thống. Trong bối cảnh đó, các mạng di động muốn phát triển và duy trì trên thị trường không còn cách nào khác là phải tăng cường đầu tư mở rộng mạng lưới, tạo ra nhiều sản phẩm, dịch vụ có thể cạnh tranh về giá trị thay vì giá cước đơn thuần như hiện nay.

Tiến sĩ Phạm Ngọc Lãng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hanoi Telecom cho biết, Vietnamobile tự hào đã đóng góp hơn 1 tỉ USD xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông Việt Nam, góp phần tạo nên một thị trường viễn thông có tính cạnh tranh hơn.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Phạm Ngọc Lãng cho rằng, nếu nhìn lại bức tranh thị trường viễn thông Việt Nam hiện nay, sự tập trung quá mức và dồn mọi nguồn lực đến mức bất hợp lí cho các doanh nghiệp viễn thông Nhà nước có thị phần thống lĩnh trên 95% là một trở ngại to lớn đối với sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ nói riêng và việc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực viễn thông nói chung tại Việt Nam.

"Chúng tôi mong muốn sẽ có các chính sách phù hợp để đảm bảo tạo lập một môi trường cạnh tranh lành mạnh trong lĩnh vực viễn thông tại Việt Nam, tránh sự quay trở lại thời kì độc quyền cũ hoặc dạng biến tướng của hình thức độc quyền mới", ông Phạm Ngọc Lãng nói.

Ông Garmon Shaw, Tổng điều hành mạng di động Vietnamobile cho biết, với mục tiêu là phát triển thị trường viễn thông và mang lại hiệu quả đầu tư và đổi mới cho người tiêu dùng với giá cả hợp lí thì các chính sách về viễn thông và cạnh tranh phải hỗ trợ cho bối cảnh thị trường nơi mà tất cả các nhà mạng, đặc biệt là nhà mạng nhỏ có thể phát triển kinh tế. Nhưng chính sách hiện hành của Chính phủ Việt Nam không theo thông lệ quốc tế thông thường hay thông lệ tốt nhất. Thay vào đó, chính sách hiện nay ủng hộ và bảo vệ các doanh nghiệp nhà nước, tập trung quá nhiều nguồn lực về tần số, kho số, cước kết nối vào các doanh nghiệp nhà nước. Điều này sẽ không đạt được mục tiêu mà chúng ta mong muốn.

Ông Garmon Shaw đưa ra ví dụ trong viễn thông kêu gọi hành động của Chính phủ là sự khác biệt về kết nối giữa nhà mạng thống lĩnh thị trường và nhà mạng mới tham gia thị trường. Đó là, phí kết nối mà nhà mạng mới trả cho nhà mạng thống lĩnh nên thấp hơn đáng kể so với phí mà nhà mạng thống lĩnh trả cho nhà mạng mới. Có thể thấy rõ ràng điều này do lưu lượng từ nhà mạng thống lĩnh đến nhà mạng mới sẽ thấp hơn rất nhiều so với chiều ngược lại. Tổ chức Quản lí Viễn thông Châu Âu áp dụng chính sách phi đối xứng về cước kết nối trong quản lí viễn thông đối với các nhà mạng tham gia vào thị trường chậm hơn từ 6 đến 11 năm thì tỉ lệ phi đối xứng về cước kết nối trung bình là 35%. Hiện nay, ở Việt Nam, sự khác biệt này mới chỉ là 10%.

Theo ICTnews.




Bình luận

  • TTCN (0)