Theo PC World, khi người dùng duyệt qua một website mới bằng cách nhấn chuột vào một liên kết (link) hay tải về một hình ảnh, đoạn video từ một website khác thì trình duyệt sẽ gửi đến website mới địa chỉ của trang web khởi xướng lệnh truy xuất đến website đó.
Việc này về cơ bản là thực sự hữu ích cho các nhà quản trị web (webmaster) để theo dõi nguồn gốc truy xuất của người dùng đến website. Tuy nhiên, cũng có luồng ý kiến quan ngại rằng những thông tin mang tính cá nhân như thế có thể bị kẻ xấu đánh cắp hay chính website được truy xuất mới trích xuất cho những mục đích khác.
Ông Sid Stamm, một chuyên gia về bảo mật và tính riêng tư tại hãng Mozilla, cho biết khi mà thế giới web càng phức tạp thì khối lượng thông tin được "gói" trong phần dữ liệu tham khảo cũng sẽ tăng lên, từ đó dẫn đến những vấn đề lớn hơn về tính bảo mật cũng như quyền riêng tư.
Hồi đầu tuần rồi, website HealthCare.gov của chính quyền Mỹ bị phát hiện đã có hành vi gửi thông tin cá nhân (như mã vùng, mức độ thu nhập, có hút thuốc hay có thai hay không) đến các website bên ngoài thông qua những dữ liệu tham khảo được gửi đến những kẻ theo dõi tại các website này.
Cũng theo PC World, nhằm giúp người dùng kiểm soát những dữ liệu này, Mozilla đang thực hiện những thay đổi trên một engine rendering mang tên Gecko nhằm giúp người dùng đầu cuối cũng như các tiện ích bổ sung cho trình duyệt kiểm soát những dữ liệu tham khảo này.
Cụ thể hơn, Mozilla đã tạo ra tính năng gọi là "meta referrer" trong trình duyệt Firefox 36 (bản thử nghiệm) cho phép các webmaster đính kèm một thẻ đánh dấu (tag) vào các tài liệu HTML, trong đó nêu rõ chính sách thông tin tham khảo cũng như chỉ rõ những dữ liệu nào có thể được gửi cho các website khác.
Theo PC World VN.
Bình luận