Nhâm nhi cốc trà đá vỉa hè trên một con phố buôn điện thoại nổi tiếng ở Hà Nội, Ngô Hoàng Đức - nhân viên marketing chưa qua tuổi 20 của một công ty tư nhân - chỉ vào một cửa hàng đang chờ khánh thành cho biết: “Chỗ này tháng trước còn là cửa hàng chuyên buôn điện thoại xách tay Hàn nổi tiếng, giờ lại sắp thành cửa hàng bán iPhone. Theo anh thì bao giờ iPhone hết hot ở Việt Nam”, Đức đặt câu hỏi.
Chàng trai có vẻ như đã tự tìm được câu trả lời - mặc dù không thuyết phục - khi nhận lại câu hỏi: “Vậy tại sao em đổi từ điện thoại Android sang iPhone 6 Plus”.
Theo Đức, iPhone mang lại một cảm giác dễ dàng, đơn giản, thân thiện khi sử dụng, trong khi điện thoại Android sớm mang lại cảm giác lỗi thời, nhàm chán sau khi dùng một thời gian ngắn. Đức kết luận: “Nói chung là khó lí giải”.
Cảm giác yêu thích iPhone không vì bất cứ lí do thuyết phục nào của Đức và nhiều người dùng khác đã giúp iPhone trở thành đế chế thống trị tại thị trường điện thoại Việt Nam và nhiều quốc gia khác. Người ta thường không tìm ra lí do xác đáng để "yêu" một thứ gì đó.
Không ở nơi đâu, các cửa hàng chuyên kinh doanh sản phẩm Apple mọc lên nhiều như ở Việt Nam, đến mức bản thân các chủ cửa hàng này cũng tự hỏi “sao nhiều như vậy mà vẫn sống được”.
Đặt câu hỏi "điện thoại cao cấp nào bán chạy nhất" với nhiều chủ cửa hàng lớn vào thời điểm đầu năm 2015, câu trả lời nhận được chẳng làm ai ngạc nhiên: “iPhone 6 và 6 Plus”. Trong khi đó, đi về các cửa hàng nhỏ lẻ hơn với câu hỏi, “điện thoại giá rẻ nào được yêu chuộng nhất”, những cái tên được đưa ra vẫn là sản phẩm Apple như iPhone 4 hay 4S.
Điều đáng nói là nhiều người dùng bất chấp việc phải mua hàng cũ, hàng dựng, hàng kém chất lượng để sở hữu một chiếc iPhone.
Thuật ngữ “iPhone killer” (sát thủ iPhone) xuất hiện từ những năm 2010, 2011, khi hàng loạt model Android cao cấp nuôi tham vọng lật đổ ngôi vị thống trị của iPhone. Tuy nhiên, người ta đã chán dùng thuật ngữ này bởi vài năm trôi qua, đây vẫn là điệp vụ bất khả thi.
Nếu như với iPhone 5 hay 5S, vẫn còn những ý kiến nghi ngờ về ngôi vị số một của iPhone thì bước sang thế hệ tiếp theo, mọi chuyện đã rõ ràng. Hiện tại, phân khúc smartphone cao cấp tại Việt Nam đang bị bao phủ bởi iPhone 6 và 6 Plus. Hàng loạt đại lí lớn đang lên tiếng kêu ca về việc không có đủ hàng để bán trong dịp cuối năm âm lịch. Trong khi đó, hàng loạt mẫu điện thoại cao cấp chạy Android lại có doanh số nhỏ giọt do “thị trường bão hoà”.
Đế chế iPhone vẫn đang vững vàng, ít nhất là trong 1-2 năm tới. Cho đến khi những người dùng như Ngô Hoàng Đức tìm ra những lí do thuyết phục hơn để thích hoặc không thích iPhone, cho đến khi có một sản phẩm xuất thần nào đó xuất hiện, giống như cách iPhone xuất hiện và đánh bại Nokia, BlackBerry trước đây, iPhone vẫn chiếm ngôi vị số một trong tâm trí người dùng.
Theo Zing.
Bình luận