Trong lúc nhìn lại những diễn biến trong những ngày qua - với các cuộc truy lùng của cảnh sát đang diễn ra tại Pháp, Bỉ và Đức - chắc hẳn ít người có thể ngờ được rằng giới chức đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng.
Một trong những nguyên nhân chính khiến các cơ quan tình báo hiện đang phải làm việc hết công suất là trong vòng 4 tháng qua, đã có tới 3.000 người châu Âu tới Syria và Iraq. Trong số này hiện nay, có nhiều kẻ đang mưu toan quay trở về và tiến hành các cuộc tấn công thánh chiến ngay trong lòng châu Âu. Các chính phủ và giới chức tình báo cảnh báo rằng nỗ lực chống khủng bố đang ngày càng trở nên khó khăn hơn bởi hiện phần lớn các cuộc trao đổi giữa những kẻ khủng bố và tội phạm diễn ra trực tuyến.
Trước thời đại bùng nổ Internet, các cơ quan tình báo có thể giám sát những cuộc trao đổi giữa các đối tượng tình nghi khủng bố bằng cách xâm nhập đường dây điện thoại hoặc cài đặt thiết bị nghe lén. Tuy nhiên, các chuyên gia phản gián lập luận rằng do hiện có quá nhiều kênh liên lạc sẵn có trên mạng, từ tin nhắn, thư điện tử cho tới "chat room", việc theo dõi càng khó khăn hơn.
Một trong những điểm lo ngại nhất là cấp độ mã hóa các hình thức thông tin liên lạc trên Internet ngày càng tinh vi khiến những người ngoài cuộc rất khó bẻ khóa. Các dịch vụ như WhatsApp và Snapchat cho phép người sử dụng liên lạc ẩn danh một cách tương đối tốt bằng cách mã hóa các dịch vụ của họ. Thủ tướng Anh David Cameron đã bày tỏ lo ngại rằng việc mã hóa sẽ cho phép những kẻ khủng bố và các loại tội phạm khác hoạt động trong "những không gian an toàn" trên Internet - và các hình thức này cần bị loại bỏ.
Thủ tướng Cameron cam kết nếu tái đắc cử vào tháng 5 tới, ông sẽ đệ trình Quốc hội dự thảo luật giải quyết vấn đề này. Nhưng thách thức mà chính phủ Anh và Mỹ phải đối mặt khi muốn xây dựng một văn bản luật thành văn không nhiều bằng những khúc mắc trong mối quan hệ với các công ty công nghệ lớn. Tiết lộ của Edward Snowden về hoạt động nghe lén hàng loạt của các cơ quan tình báo Mỹ và Anh đã làm tổn hại nghiêm trọng quan hệ của hai chính phủ này với ngành công nghệ. Tiếp sau vụ tiết lộ chấn động này, các công ty như Google và Apple chịu áp lực khổng lồ để thuyết phục các khách hàng rằng thông tin và các nội dung cá nhân của họ được bảo mật hoàn toàn.
Cũng từ những vụ việc trên, các hãng công nghệ lớn đang chạy đua với nhau để phát triển phần mềm khiến chính các công ty này cũng khó mở "cửa sau" vào dữ liệu của khách hàng, cho dù các cơ quan an ninh đã ban hành một văn bản pháp lí có lí do chính đáng để họ được phép làm điều đó.
Trong khi đó, giới bình luận cho rằng các chính phủ phương Tây và nhiều công ty viễn thông Mỹ cần phải có những nỗ lực mới để hóa giải các mối lo đối nghịch về tính bảo mật và an ninh quốc gia. Mỹ và Anh cần đưa ra những đảm bảo mạnh mẽ hơn rằng bất cứ yêu cầu nào của họ về việc chặn thông tin đều phải có lí do chính đáng và phải được cấp có thẩm quyền thông qua. Về phần mình, các công ty Internet phải hiểu được rằng việc tạo ra một mức độ mã hóa khiến một bên thứ ba không có khả năng sử dụng "chìa khóa vàng" hay "cửa sau" khi cần thiết sẽ gây hậu quả thế nào đối với an ninh quốc gia.
Một điều không thể bác bỏ là tính bảo mật thông tin của người dùng Internet cần phải được củng cố liên tục. Tuy nhiên, các dịch vụ an ninh phương Tây cũng phải để ngỏ khả năng tiếp cận dữ liệu của một công dân nếu đó là điều cần thiết cho an ninh quốc gia và hợp pháp. Vụ việc xảy ra tại Paris đã nâng mối đe dọa thánh chiến lên một tầng nấc mới. Bởi vậy, có thể nói rằng trong khi an ninh của một quốc gia dân chủ phải được duy trì, thì các công dân của nó không thể có một quyền riêng tư tuyệt đối.
Theo Baotintuc.
Bình luận