Rất nhiều tuyên bố đã được đưa ra, nhưng quan sát các động thái và kết quả thì chúng ta buộc phải đặt câu hỏi: Nhà mạng có thật sự quyết tâm chặn “tin nhắn rác” khi thực tế nó đang mang lại nguồn thu khổng lồ cho họ? Và thực sự thì quản lí nhà nước đang làm gì để thực thi pháp luật?

Nghị định 77/2012/NĐ-CP về phòng chống thư rác có hiệu lực từ ngày 1/1/2013 nhằm ràng buộc trách nhiệm của các công ty cung cấp dịch vụ nội dung và các nhà mạng trong việc ngăn chặn tin nhắn rác. Vậy nhưng, chính Thanh tra Bộ TT&TT thừa nhận, “tin nhắn rác” ngày càng biến tướng tinh vi và đa dạng hơn trước. “Tin nhắn rác” không chỉ do các doanh nghiệp, tổ chức gửi đi mà còn do người dùng cá nhân sử dụng các sim rác, thuê bao ảo trên thị trường nhắn đi, mục đích là để giảm chi phí, tránh sự kiểm tra của cơ quan quản lí khi cung cấp dịch vụ quảng cáo.

Đối với nhà mạng, việc xây dựng một hàng rào kĩ thuật, ngăn chặn nhắn tin với tần suất hay số lượng lớn trong thời gian nhất định không khó. Nhưng có một thực tế không thể phủ nhận rằng “tin nhắn rác” đang mang lại nguồn lợi khủng cho họ. Mục tiêu của doanh nghiệp là lợi nhuận, do đó dễ hiểu khi các nhà mạng đều tuyên bố sẽ quyết liệt “dẹp rác”, nhưng lúc hành động lại “đánh trống bỏ dùi”. Bằng chứng là người sử dụng bất kì có thể dễ dàng sở hữu hàng loạt sim điện thoại được kích hoạt trước mà không cần đăng kí thông tin cá nhân.

Doanh nghiệp, họ có thể đặt mục tiêu lợi nhuận lên trên quyền lợi của khách hàng. Nhưng trách nhiệm của quản lí nhà nước thì khác, phải đảm bảo pháp luật được tuân thủ, và quan trọng nhất là phải đặt quyền lợi của khách hàng, của xã hội lên trên hết.

Các doanh nghiệp viễn thông phải quản lí chặt thuê bao; khi họ xử lí nghiêm các đại lí vi phạm chắc chắn sẽ hạn chế “tin nhắn rác”. Còn cơ quan quản lí nhà nước, nên kiên quyết làm đúng chức năng, nhiệm vụ của mình, quản lí chặt nhà mạng, doanh nghiệp viễn thông.

Chỉ cần xử lí nghiêm với các nhà mạng không quản lí được thuê bao (phạt nặng, thậm chí là đình chỉ đầu số, thu hồi giấy phép...) thì bảo đảm, các nhà mạng, dù không muốn cũng phải chung tay bảo vệ người dùng.

Theo Thanh Niên.




Bình luận

  • TTCN (0)