Quy định mới được nêu chi tiết trong văn bản dài 22 trang và vừa được phê duyệt cuối năm 2014. Đây chỉ là bước đầu tiên trong một loạt chính sách dự kiến được tiết lộ trong vài tháng tới đây mà Bắc Kinh cho là nhằm củng cố an ninh mạng trong các ngành trọng yếu. Bản sao văn bản được lan truyền rộng rãi giữa các công ty nước ngoài đang hoạt động tại Trung Quốc và gây quan ngại sâu sắc vì quy định mới không khác nào “ép” họ phải rời khỏi một trong các thị trường lớn nhất và tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
Trong lá thư gửi hôm 28/1 đến ủy ban cao cấp về an ninh mạng do Chủ tịch Tập Cận Bình đứng đầu, nhóm doanh nghiệp ngoại quốc, gồm cả Phòng Thương mại Mỹ, đã phàn nàn về chính sách mới và chúng chẳng khác gì chính sách bảo hộ, yêu cầu đối thoại khẩn cấp về quy định mới.
Lá thư là phát súng mới nhất trong cuộc “ăn miếng trả miếng” căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc về vấn đề chính sách công nghệ và an ninh mạng. Trong khi Mỹ cáo buộc quân đội Trung Quốc tấn công và đánh cắp bí mật từ doanh nghiệp Mỹ, Trung Quốc lại nhắc đến các tiết lộ gần đây về việc Mỹ do thám các nước khác như một lí do để thoát khỏi công nghệ Mỹ càng sớm càng tốt.
Các công ty Trung Quốc cũng phải tuân thủ quy định mới, dù vậy họ vẫn “dễ thở” hơn vì phần lớn khách hàng cốt lõi đều tại đây.
Đối với các công ty đa quốc gia, thị trường Trung Quốc quá lớn để có thể bỏ qua. Trung Quốc được dự đoán sẽ chi 465 tỉ USD trong năm 2015 cho công nghệ thông tin và truyền thông, theo ước tính của hãng nghiên cứu IDC. Sự mở rộng của thị trường công nghệ Trung Quốc đóng góp 43% trong tăng trưởng công nghệ toàn cầu.
Các nhà phân tích nhận định những chính sách mới của Trung Quốc như đưa ra ở trên sẽ gây khó dễ cho hãng phần mềm và phần cứng nước ngoài. Matthew Cheung, nhà phân tích của hãng Gartner, đưa ra quan điểm: “Tôi nghĩ họ rõ ràng nhắm tới các nhà sản xuất ngoại quốc đang hoạt động tại Trung Quốc. Họ đang quảng bá cho công nghệ nội để các nhà cung cấp địa phương có đủ năng lực sẽ giành thêm thị phần”.
Không chỉ có vậy, tài liệu về quy định mới còn nêu rõ mã nguồn của các thiết bị mạng và điện toán phải trao cho quan chức Trung Quốc. Dù vậy, nhiều công ty không thể tiết lộ mã nguồn vì nó liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ, bảo mật và trong vài trường hợp là luật xuất khẩu của Mỹ. Ngoài ra, quy định còn kêu gọi các hãng muốn bán thiết bị cho ngân hàng phải mở trung tâm R&D tại Trung Quốc, xây dựng các “cổng” để nhà chức trách quản lí và quản trị dữ liệu xử lí bằng thiết bị.
Trong khi đó, dự thảo về luật chống khủng bố còn đẩy mọi chuyện đi xa hơn khi yêu cầu các công ty lưu tất cả dữ liệu liên quan đến người dùng Trung Quốc tại máy chủ đặt tại Trung Quốc, phát triển phương thức để quản trị nội dung trước đe dọa khủng bố và cung cấp chìa khóa giải mã cho quan chức an ninh mạng.
Một số công ty công nghệ lớn nhất của Mỹ có thể bị tổn thương bởi các quy định khi muốn mở rộng thị trường. Chẳng hạn, Apple sử dụng công nghệ mã hóa mới trong iPhone 6, dựa trên thuật toán phức tạp gắn với một mã độc nhất vô nhị trên mỗi điện thoại. Apple cho biết không có cách nào truy cập mã này song chiểu theo dự thảo luật chống khủng bố, hãng phải cung cấp chìa khóa để chính phủ Trung Quốc giải mã mọi dữ liệu lưu trong iPhone.
Nhiều lãnh đạo công nghệ Mỹ lên tiếng về hàng rào mới khi tiếp cận thị trường Trung Quốc. John T. Chambers, Tổng Giám đốc Cisco và các giám đốc tại Qualcomm tỏ ra lo ngại. Tuần này, người đứng đầu Microsoft, Satya Nadella, thừa nhận công ty đang trải qua các vấn đề về địa chính trị tại đây.
Trong thư, các công ty phương Tây bày tỏ lo ngại về “chế độ đánh giá an ninh mạng” quy mô hơn, cho phép chính phủ Trung Quốc ước định “bảo mật và khả năng kiểm soát” của phần cứng, phần mềm, dịch vụ công nghệ bán tại đây thông qua kiểm toán và các biện pháp kiểm tra khác. Chi tiết về các cuộc kiểm tra sẽ được gửi đến ủy ban cấp cao về an ninh mạng vừa được thành lập sau những tiết lộ của Edward Snowden, cựu nhân viên tình báo Mỹ, về chương trình do thám điện tử của Mỹ. Ủy ban còn đặt mục tiêu giảm bớt sự lệ thuộc của Trung Quốc vào công nghệ ngoại.
Tuy nhiên, ngay cả khi Bắc Kinh muốn điều này, ngành ngân hàng không thể ngay lập tức quay lưng với các doanh nghiệp nước ngoài. Họ đã mua hàng tỉ USD phần cứng và phần mềm để xử lí các giao dịch, còn công ty Trung Quốc chưa thể sản xuất ra máy chủ và máy tính lớn cao cấp. Theo ông Yao của IDC, 90% máy chủ và máy tính lớn cao cấp tại Trung Quốc là do công ty đa quốc gia sản xuất. Người chơi nội địa chỉ đủ năng lực ở phân khúc tầm thấp.
Theo ICTnews.
Bình luận