Tuy nhiên, nhiều thứ trong số đó không chỉ tồn tại trong phim ảnh mà trên thực tế đã có mặt nhờ sự phát triển của công nghệ hiện đại, theo Vince Houghton - sử gia và người phụ trách Bảo tàng Gián điệp thế giới tại Washington D.C (Mỹ). Dù hầu hết các công nghệ tối tân được các điệp viên CIA hoặc MI5 sử dụng đều thuộc dạng bí mật, một số vẫn bị tiết lộ trong thời gian qua. Sau đây là những công nghệ gián điệp có thật, theo Live Science.
Thời Chiến tranh lạnh
Thời này, các thiết bị hỗ trợ cho công tác nằm vùng giống như trong phim Điệp viên 007 bắt đầu manh nha. Chẳng hạn, một sát thủ Bulgaria đã dùng một cây dù để bắn đạn thuốc độc chứa chất ricin vào một kẻ li khai Liên Xô đang lẩn trốn ở London. Người Nga cũng phát minh súng son môi có cái tên đầy quyến rũ “nụ hôn của thần chết”, cho phép bắn một viên đạn duy nhất ở tầm gần.
Về phần mình, CIA cũng ra sức chế tạo những thiết bị theo dõi kì quái, như biến mèo thành máy ghi âm di động, cài micro vào hốc tai, pin nhét ở phần bụng, còn đuôi làm ăng ten. Kết quả là con mèo giá trị nhiều triệu USD cứ chạy mất và một lần không may bị xe cán chết.
Trong vài thập niên, CIA cũng chi cả đống tiền vào chiến dịch Stargate, tuyển mộ những nhà ngoại cảm để do thám bí mật của Liên Xô. Một chương trình khét tiếng không kém là MKULTRA, nhằm điều chế các loại thuốc khống chế tri giác.
Micro hình ảnh, thiết bị cấy y khoa
Không phải lúc nào Lầu Năm Góc cũng chứa đầy những công nghệ gián điệp quái đản và không thực tế. Trong một trường hợp, các nhà khoa học thuộc Đại học Texas đã tìm ra phương pháp tái tạo những cuộc đối thoại bằng cách chụp ảnh môi trường xung quanh khi mà những lời nói thốt ra, theo trình bày tại Hội nghị SIGGRAPH 2014.
Hệ thống do thám bằng âm thanh này tận dụng một thực tế rằng sóng âm tạo ra những xung động rất nhỏ, vô hình trước mắt thường, nhưng vẫn lọt vào tầm ngắm của camera. Những xung động này có thể được thu thập và phân tích để dựng lại âm thanh nguyên bản.
Trong khi đó, các thiết bị cấy trong cơ thể, như máy khử rung tim, bơm insulin…, đều có thể bị tin tặc thao túng, giống như tình tiết trong loạt phim truyền hình nổi tiếng của Mỹ Homeland. Trong Hội nghị An ninh Mũ đen năm 2011 tại Las Vegas, tin tặc mũ trắng Jerome Radcliffe trình diễn khả năng kiểm soát thiết bị bơm insulin, và kĩ thuật này sau 4 năm ắt hẳn đã được hoàn thiện hơn trước.
Sau nhiều vụ tấn công tin tặc gây chấn động, mục tiêu số một của hầu hết các tổ chức tình báo trên thế giới là làm sao tạo ra được kênh trao đổi thông minh bảo mật cao. Một số người đang nghiên cứu khả năng bảo mật lượng tử để tạo ra các mật mã không thể nào bị bẻ gãy.
Hiện công nghệ bảo mật lượng tử vẫn còn trong giai đoạn chứng minh khái niệm, nhưng đã đủ sức thuyết phục và khơi gợi sự quan tâm của các chính phủ. “Nước nào đi đầu trong công nghệ này sẽ bỏ xa những nước còn lại”, sử gia Houghton kết luận.
Theo Thanh Niên.
Bình luận