Tháng 8/2013, CEO của Microsoft lúc đó là Steven Ballmer bất ngờ công bố sẽ nghỉ hưu sớm, sau khi làm Giám đốc điều hành thay Bill Gates từ năm 2000. Microsoft ráo riết tìm kiếm người kế vị, trong đó hai ứng viên nổi bật nhất là Alan Mulally - CEO của hãng xe hơi Ford; và Steven Elop - cựu CEO của Nokia. Giới truyền thông liên tiếp đưa tin về Alan Mulally, hoặc quay sang nhận định về các cơ hội dành cho người cũ của Nokia.
Không ai biết Satya Nadella là ai, mặc dù ông nằm trong danh sách 5 ứng viên cho chiếc ghế CEO. Đơn giản bởi người đứng đầu mảng đám mây và doanh nghiệp của Microsoft này rất ít khi xuất hiện trước công chúng. Những đóng góp của ông chủ yếu là ở các mảng kinh doanh dành cho doanh nghiệp chứ không phải là người dùng phổ thông.
Thế nhưng, khi Alan Mulally quyết định gắn bó với Ford, Satya Nadella là người được chọn ngồi vào "ghế nóng". Quyết định được công bố vào đầu tháng 2/2014. Đó là một quyết định bất ngờ, và cũng gây không ít hoài nghi. Nhưng theo thời gian, với những gì đã đóng góp cho Microsoft, Satya Nadella chứng minh rằng việc công ty lựa chọn mình là quyết định đúng đắn. Satya Nadella đã làm nên một Microsoft hoàn toàn mới, thoát khỏi những lối tư duy cũ trước đây và dám mạo hiểm đầu tư vào những mảng công nghệ đột phá vốn chưa có thể sinh lời trong tương lai gần.
6 ngày, 2 quyết định "động trời"
Không lâu sau khi ngồi vào chiếc ghế CEO, Satya Nadella tung ra hàng loạt quyết định mà trước đây ít ai có thể ngờ rằng nó lại đến từ một công ty như Microsoft. Đầu tiên, ngày 27/3/2014, ông công bố ra mắt Office cho iPad. Bộ ứng dụng văn phòng Office là "con gà đẻ trứng vàng" cho Microsoft trong nhiều năm trước đó, mang về hàng tỉ USD doanh thu cho công ty.
Trước đó, ít người có thể nghĩ đến viễn cảnh Microsoft đi làm Office cho iPad. Đây là một trong các sản phẩm chủ chốt Microsoft dùng để thuyết phục người dùng tìm đến Windows - hệ điều hành máy tính của họ. Office là ứng dụng thiết yếu mà hầu như ai dùng máy tính cũng cần tới. Lúc này, thị phần máy tính Windows đang tuột dốc không phanh, và một phần nguyên nhân là do sự cạnh tranh đến từ iPad. Giới chuyên gia vì vậy càng có cơ sở để nhận định Microsoft không đời nào phát triển Office cho iPad, bởi như thế không khác gì họ đang "đào hố chôn mình".
Thế nhưng Nadella đã làm bất ngờ tất cả. Ông còn công bố sẽ phát triển Office cho máy tính bảng Android, và sau một thời gian phát triển, sản phẩm này cũng vừa chính thức trình làng trên Google Play. Điều trớ trêu là Microsoft còn chưa có bất kì phiên bản Office nào tối ưu cho điện thoại và tablet chạy Windows màn hình cảm ứng của chính công ty, và người dùng Windows sẽ phải chờ tới ít nhất cuối năm nay, khi Windows 10 trình làng bản chính thức.
Chưa hết, Nadella cũng công bố sẽ miễn phí bản quyền Windows (bao gồm cả Windows Phone) cho các nhà sản xuất phần cứng, miễn là thiết bị của nhà sản xuất đó có kích thước từ 9 inch trở xuống. Nói cách khác, smartphone và tablet chạy Windows sẽ không phải trả tiền bản quyền cho Microsoft nữa, tương tự cách Google miễn phí Android. Trước đây, đối tác phần cứng khi sản xuất thiết bị chạy Windows Phone phải trả cho hãng phần mềm từ 15 đến 20 USD tiền bản quyền, còn với máy tính chạy Windows, mức phí cao hơn, lên tới khoảng 100 USD.
Khi Microsoft công bố 2 quyết định "động trời" trên, nhiều người tỏ ra lo ngại cho công ty. Google về bản chất là một công ty quảng cáo trên Internet. Họ miễn phí Android nhưng có cách để kiếm tiền từ quảng cáo từ nền tảng này. Trong khi đó Microsoft thì không. Họ là công ty phần mềm, và kiếm tiền từ việc người dùng mua phần mềm của mình.
Tuy nhiên, xét về lâu dài, đó là những quyết định hợp lí. Muốn bước chân vào mảng di động, Microsoft không thể không miễn phí Windows. Khi mà Google cho không các đối tác sản xuất smartphone hệ điều hành Android, thì không có lí gì các công ty điện thoại lại chọn làm điện thoại Windows Phone vừa khó bán hơn vừa tốn thêm tiền bản quyền. Microsoft buộc phải chơi canh bạc miễn phí Windows Phone rồi cố gắng kiếm tiền từ các dịch vụ và các phần mềm khác đi kèm Windows.
Trong khi đó, việc đưa Office lên iPad cũng là một nỗ lực cứu Office trong tương lai. iPad hay máy tính bảng sẽ lên ngôi trong tương lai, và nếu không phát triển Office cho tablet, bộ ứng dụng này có nguy cơ bị lãng quên. Apple hay Android đều có các ứng dụng văn phòng khác trên máy tính bảng của mình để thay thế cho Office, đồng nghĩa với việc đây không còn là "hàng độc" của Microsoft như nữa.
"Mobile first, cloud first" và chiến lược Windows đi muôn nơi
Microsoft dưới thời Nadella cũng đã chuyển mình hoàn toàn so với kỉ nguyên của Steven Ballmer. Dưới thời Ballmer, Microsoft là công ty về "Thiết bị và Dịch vụ", còn Microsoft của Nadella là thời kì "mobile first, cloud first" (ưu tiên di động và đám mây trước), và Windows đi muôn nơi.
Thực chất, "mobile first, cloud first" chính là một bước tiến mới của "thiết bị và dịch vụ", trong đó di động (mobile) thay thế cho thiết bị, và đám mây thay thế cho Thiết bị. Ý nghĩ của mobile ở đây là trải nghiệm trên các loại thiết bị khác nhau thay vì chỉ cố định trên một loại thiết bị nhất định.
"Khi tôi nói mobile first, thì đó không phải ám chỉ thiết bị di động, mà muốn nói tới tính di động của trải nghiệm cá nhân. Mobile là sự trải nghiệm mở rộng tới hàng loạt thiết bị, không chỉ bó buộc vào một loại thiết bị vốn chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng thể. Một số thiết bị của Microsoft có thể cung cấp trải nghiệm, một số đến từ các công ty khác" - Nadella giải thích trong một phát biểu của mình.
Windows trước đây là nền tảng chủ yếu hướng đến PC, nhưng dưới thời Nadella, nó đang len lỏi để lên tablet và cả smartphone lẫn Internet Of Things. "Trong một thế giới mà điện toán ở khắp nơi, chúng tôi muốn Windows cũng có mặt khắp mọi ngõ ngách. Đây không phải là một mô hình về giá cả hay kinh doanh, mà là cơ hội mở rộng thị trường", ông nói.
Định hướng phát triển của Nadella rõ ràng cho thấy ông muốn đưa Microsoft phát triển theo một cách riêng hoàn toàn trước đây, một chiến lược dài hơi. Nadella tin rằng rất nhiều người dùng iOS, OS X, Chrome, và Android ở ngoài kia sẽ không bao giờ quay trở lại sử dụng Windows nữa, nhưng họ vẫn thích sử dụng các dịch vụ của Microsoft. Bởi vậy, cơ hội phát triển dịch vụ đa nền tảng là vô cùng lớn và không thể bỏ qua, ngay cả khi Microsoft đang phải "vỗ béo" chính đối thủ của mình.
Windows vẫn sẽ là một trong những sản phẩm chính của Microsoft trong tương lai, nhưng CEO Satya Nadella mới đây chia sẻ rằng quan điểm phát triển hệ điều hành này sẽ khác. Ông muốn người dùng yêu thích Windows, và lựa chọn nó vì sự yêu thích đó. Windows 10, phiên bản Windows mới nhất hiện nay và hiện đang ở giai đoạn phát triển Technical Preview, sẽ ra mắt bản chính thức vào cuối 2015. Microsoft cũng muốn loại bỏ thương hiệu Windows Phone trước đây và sẽ dùng chung tên gọi Windows 10 cho cả hệ điều hành dùng trên smartphone cũng như máy tính bảng.
Nadella muốn người dùng thay đổi suy nghĩ của người dùng về Windows, từ suy nghĩ lựa chọn Windows vì giá rẻ (máy tính Windows rẻ hơn nhiều so với Mac) sang chọn Windows vì yêu thích nó. "Chúng tôi muốn thay đổi suy nghĩ của người dùng, từ chọn Windows vì cần đến Windows sang chọn Windows vì yêu thích nó" - Nadella nhấn mạnh.
Thách thức trước mắt
Những thay đổi của Nadella có thể sẽ thành công trong tương lai, thế nhưng ở tương lai gần, nó đang là nguyên nhân của sự tụt giảm tại Microsoft. Sau khi công bố mức doanh thu 26,5 tỉ USD trong quý gần đây nhất, giá trị cổ phiếu của Microsoft đã tụt dốc, giảm từ 47,01 USD xuống còn 42,66 USD/cổ phiếu, mức giảm gần 10%. Doanh thu của Microsoft tăng 8% trong quý này nhưng lợi nhuận lại giảm 10% so với cùng kì năm ngoái, xuống chỉ còn 5,86 tỉ USD. Dù doanh số smartphone Lumia trong quý là 10,5 triệu chiếc, tăng 28% so với cùng kì năm ngoái, nhưng doanh thu của mảng này giảm tới 61%, do một thỏa thuận thương mại giữa Microsoft và Nokia. Thị trường PC truyền thống cũng tiếp tục trong tình trạng ảm đạm, khi tiền bản quyền từ các đối tác phần cứng giảm 13%.
Thế nhưng, những cải tổ của Nadella vẫn là động thái thay đổi cần thiết đối với một gã khổng lồ đang có dấu hiệu ì ạch và chậm chạp như Microsoft. Trong một thế giới công nghệ đầy biến động, một tượng đài cũng có thể dễ dàng bị gục ngã mà Nokia là bài học nhãn tiền. Và Nadella có thể sẽ giúp Microsoft tránh khỏi vết xe đổ của nhiều công ty công nghệ khác.
Một số thông tin khác về tiểu sử Nadella:
Tính đến nay, Nadella làm việc cho Microsoft 23 năm, từ 1992.
Trước khi làm CEO, ông phụ trách mảng Điện toán mây tại công ty. Nadella chịu trách nhiệm phát triển công cụ tìm kiếm Bing. Dù Bing chưa bao giờ sánh được với Google Search, nhưng Nadella vẫn là người có công đưa dịch vụ tìm kiếm của Microsoft phát triển.
Ballmer điều động ông từ Bing sang điều hành mảng Công cụ và Máy chủ, mảng kinh doanh có giá trị 19 tỉ USD.
Nadella là người đã đưa một số công nghệ quan trọng của Microsoft, như công nghệ về cơ sở dữ liệu, Windows server và các công cụ lập trình viên, lên đám mây. Công nghệ đám mây Azure của Microsoft có sự tăng trưởng nhanh chóng và trở thành đối thủ của Amazon, một chuyên gia trong lĩnh vực này. Doanh thu từ mảng đám mây tăng lên 20,3 tỉ USD trong năm tài khóa kết thúc hồi tháng 6/2014, từ 16,6 tỉ USD ở thời điểm trước khi Nadella phụ trách vào năm 2011.
Ông cũng là người góp công giúp Microsoft đưa Office lên mây với sản phẩm Office 365. Theo công bố của Microsoft, Office 365 là một trong các sản phẩm có tốc độ phát triển cao nhất của họ.
Nadella là người rất thông minh và có tài ngoại giao. Ông rất giỏi trong việc giúp các bộ phận đang mâu thuẫn làm việc thuận hòa với nhau. Chính vì thế, Nadella rất thích hợp để phát triển chiến lược “One Microsoft” mà cựu CEO Ballmer từng đề ra trước đó.
Ông có một bằng kĩ sư điện, thạc sĩ khoa học máy tính, MBA. Trước khi làm việc ở Microsoft, ông đã làm ở Sun Microsystem, công ty nay thuộc về Oracle.
Theo ICTnews.
Bình luận