Top ba quốc gia hạnh phúc lần lượt là: Costa Rica (Trung Mỹ), Việt Nam và Colombia (Nam Mỹ). Ba quốc gia này đứng đầu trong bảng tổng sắp 151 nước trên thế giới được xếp hạng theo chỉ số “Happy Planet Index” (HPI, Chỉ số Hành tinh Hạnh phúc), do New Economics Foundation – một tổ chức nghiên cứu kinh tế xã hội có trụ sở chính tại vương quốc Anh vừa công bố. Công bố này nhằm đánh giá những quốc gia mà ở đó “niềm vui sống của người dân là cao nhất”.

Từ khi quốc vương nước Bhutan (Nam Á) đưa ra chỉ số Tổng Hạnh phúc Quốc gia (Gross National Happiness- GNH) vào năm 1972, đến nay trên thế giới đã có nhiều chỉ số khác theo dạng này ra đời. Chỉ số HPI được xây dựng dựa trên ba tiêu chí là: tuổi thọ trung bình của người dân; chỉ số về cuộc sống thịnh vượng; và hệ số dấu chân sinh thái (Ecological Footprint) – hệ số này được các nhà khoa học đưa ra để đánh giá hiệu năng khai thác tài nguyên thiên nhiên của loài người nhằm phục vụ cho sự thịnh vượng và tuổi thọ của những người đang sống.

Với chỉ số HPI, chúng ta có dịp để đưa ra một cái nhìn khác hơn so với quan điểm nghĩ rằng chỉ dựa trên chỉ số GDP để đánh giá sự thịnh vượng của một nước và mức độ hạnh phúc của người dân, bởi khái niệm “tiền bạc không hoàn toàn mang lại hạnh phúc” hẳn là không sai. Chính vì lí do đó mà chỉ số HPI tập trung đánh giá trên sự thoải mái của người dân trong cuộc sống theo đà phát triển của xã hội của quốc gia mà họ đang sống chứ không ưu tiên nhìn theo tốc độ phát triển kinh tế của quốc gia đó.

Khi quan sát trên “bản đồ về hạnh phúc của người dân”, chúng ta dễ dàng nhận ra các màu đỏ và vàng cam là chủ yếu và chúng ta có thể đã từng nghĩ rằng người dân Mỹ đang ngập tràn hạnh phúc trong một đời sống thịnh vượng, rằng rất dễ sống tại Canada hay Úc, song những quốc gia này lại không đứng ở vị trí cao trong bảng tổng sắp. Ví dụ như tại Mỹ, “hệ số dấu chân sinh thái” quá cao nên quốc gia này không được xem như một nơi mà người dân có cuộc sống hoàn toàn hạnh phúc. Thêm vào đó chính tuổi thọ người dân thấp đã khiến nhiều nước được xếp cuối bảng.

Bản đồ này hẳn không được xem là một kết quả khoa học chính xác vì còn thiếu nhiều dữ liệu khác để nói về hạnh phúc và thịnh vượng của một quốc gia, song tấm bản đồ này thật sự cũng đã mang đến cho mọi người trên hành tinh chúng ta một cái nhìn mới, một suy nghĩ khác trước về thế nào là hạnh phúc của cư dân trong một quốc gia.

Theo Pháp Luật.




Bình luận

  • TTCN (0)