Viettel chiếm hơn một nửa thuê bao 3G của Việt Nam
Với cuộc đua về vùng phủ 3G, năm 2015, cán cân giữa các nhà mạng lớn dự báo không có nhiều thay đổi. Kết thúc năm 2014, Viettel có hơn 29.000 trạm BTS 3G, MobiFone kế tiếp với khoảng 14.000 và VinaPhone khoảng 13.000. Với số lượng nhiều hơn cả VinaPhone và MobiFone cộng lại, Viettel sẽ khó lòng mất đi vị trí dẫn đầu về vùng phủ 3G - yếu tố rất quan trọng khi lựa chọn mạng để sử dụng Internet di động cho điện thoại, máy tính bảng hay laptop.
Về mặt tốc độ truy cập 3G, hiện chưa có một cơ quan độc lập nào đánh giá tốc độ 3G của các mạng di động nên điều này sẽ phụ thuộc vào cảm nhận của khách hàng.
Bên cạnh việc cung cấp dịch vụ 3G cho khách hàng phổ thông, cả 3 mạng di động lớn đều chạy đua đón đầu tương lai với việc cung cấp khả năng truy cập lên tới 42 Mbps tại các tỉnh thành lớn.
Vào cuối năm 2014, Viettel đã hoàn tất việc khai báo và sử dụng thử nghiệm tại 13 tỉnh, thành phố lớn; VinaPhone và MobiFone đã thử nghiệm tại 3 thành phố lớn. Theo dự kiến, Viettel sẽ hoàn thành việc cung cấp dịch vụ này tại trung tâm tất cả các tỉnh, thành phố lớn trên cả nước vào đầu năm 2015, VinaPhone cũng chia sẻ thông tin tương tự.
Song song với việc cung cấp dịch vụ của tương lai, với tốc độ cao nhất lên tới 42 Mbps, vào giữa tháng 10/2014, Viettel đã hoàn tất việc nâng cấp mạng 3G trên toàn hệ thống góp phần tăng tốc truy cập 3G cho tất cả khách hàng.
Bên cạnh đó, nhà mạng quân đội vừa áp dụng thành công 2 công nghệ mới giúp cải thiện lớn chất lượng 3G. Hai công nghệ này có tên Multi Carrier Control và Enhanced DL/UL Discontinuous Transmission, có thể giúp thời lượng pin tiết kiệm tới 20% so với dùng 3G thông thường. Công nghệ mới giúp giảm tối đa thời gian thiết bị đầu cuối phải thực hiện các thủ tục trao đổi với mạng. Ngoài ra, 2 công nghệ trên cũng giúp tăng tốc độ download của người dùng.
Cuộc chạy đua khác giữa các nhà mạng lớn về 3G là giá cước. Tuy nhiên, ở lĩnh vực này, các gói cước 3G của các mạng di động là tương tự nhau, không có chênh lệch. Chỉ khi các mạng tung ra những chương trình khuyến mại, ưu đãi đặc biệt hoặc liên kết với các đối tác thì giá cước có thể giảm thấp khác biệt đáng kể so với mức thông thường.
Nhưng giá cước không phải là nhân tố quan trọng bậc nhất khi người dùng lựa chọn sử dụng mạng 3G mà nhân tố vùng phủ, sự ổn định, tốc độ sẽ quan trọng hơn nhiều. Không ai ham giá cước rẻ hơn một chút nhưng việc truy cập Internet thông qua 3G lại bị đứt đoạn do không có sóng hay chập chờ vì mạng không ổn định.
Thị trường mới cho SIM 3G
Nếu như trước đây người ta tập trung hoàn toàn vào 3G cho thị trường smartphone thì giờ đây một thị trường khác đang mở ra: 3G cho các thiết bị phục vụ đời sống. Mới đây nhất, tại buổi lễ công bố 10 sự kiện ICT tiêu biểu năm 2014 ở Hà Nội, Viettel đã công bố kế hoạch triển khai giải pháp cho ngành điện. Nếu dự án này hoàn tất, Viettel có thể cung cấp tới hơn 20 triệu SIM 3G cho công tơ điện hộ gia đình trên toàn quốc. Bên cạnh đó, nhà mạng này cũng dự kiến cung cấp nhiều giải pháp CNTT kết hợp viễn thông 3G tương tự giúp đẩy rất mạnh số lượng khách hàng dùng 3G…
Trong khi đó, các mạng di động lớn khác như MobiFone, VinaPhone chưa công bố những kế hoạch đặc biệt gì cho việc tiến vào lĩnh vực thiết bị gia dụng, đời sống của SIM 3G.
Kết thúc năm 2013, thị phần 3G của Viettel mới là 41,76% nhưng năm 2014 đã là gần 51%. Với MobiFone và VinaPhone, nếu không có những biện pháp cải thiện đặc biệt về mạng 3G thì thị phần của cả 2 nhà mạng này khó có thể tốt hơn trong năm 2015. Để cân bằng với điểm yếu về vùng phủ (nhân tố đặc biệt quan trọng với 3G khi dùng Internet di động), 2 nhà mạng có nguồn gốc VNPT cần những chiêu thức rất mới để thu hút khách hàng.
Ở mảng 3G cho các thiết bị gia dụng, đời sống - phân khúc hoàn toàn mới, cuộc đua về SIM 3G dường như tương tự như vùng phủ sóng. Điều gì sẽ xảy ra nếu Viettel hoàn tất dự án với ngành điện và đưa 3G vào nhiều thiết bị khác của hộ gia đình? Thị phần 3G sẽ có những biến động còn lớn hơn nhiều so với năm 2014 là điều có thể dự báo.
Theo ICTnews.
Bình luận