Tuần trước, rất nhiều công ty công nghệ hàng đầu công bố báo cáo về doanh thu quý. Những bài báo về đề tài này đòi hỏi phải vừa nhanh, vừa chính xác. Đây thực sự là một thách thức không nhỏ. Đó cũng là lí do tại sao các hãng tin nghĩ tới việc sử dụng robot viết báo.
Vài phút sau khi Apple công bố báo cáo về doanh thu quý đạt kỉ lục, hãng tin AP đã xuất bản một bài viết về kết quả này. Bài viết tuy hơi khô nhưng ít dấu hiệu cho thấy nó không phải do con người viết ra. Chỉ ở dòng cuối cùng của bài báo: “Bài viết do Automated Insights tạo ra sử dụng dữ liệu từ Nghiên cứu đầu tư Zacks” mới hé lộ “tác giả” thực sự của bài viết.
Bài viết tức thì
Mùa Hè vừa qua, hãng tin AP đã hợp tác với Automated Insights để xử lí các báo cáo kinh doanh quý với tốc độ nhanh hơn.
Philana Patterson – trợ lí biên tập viên kinh tế ở AP chịu trách nhiệm triển khai hệ thống này cho biết lúc đầu, các nhân viên tỏ ra nghi ngờ cách làm này.
“Tôi không muốn một nhà báo giỏi lại không nghi ngờ”, cô nói.
Patterson lưu ý rằng những bài viết tự động đầu tiên luôn có sự can thiệp của con người ở mức độ nhất định, và tất cả các lỗi được ghi lại. Tuy nhiên, đến tháng 10/2014, AP đã có những bài báo đầu tiên được xuất bản mà con người không phải nhúng tay vào.
Liệu các nhà báo có thất nghiệp vì hệ thống tự động này? Cả AP và Automated Insights đều khẳng định rằng không có nhân viên nào mất việc vì hệ thống mới.
Thực tế, chương trình này còn có lợi cho các nhà báo, bởi vì họ không mất quá nhiều thời gian vào những con số ban đầu nữa mà có thể tập trung vào phân tích sâu hơn. Trong khi đó, AP đã tăng hiệu quả một cách đột biến nhờ hệ thống tự động. Thay vì thông thường sản xuất bằng tay được 300 bài mỗi quý, thì nay, số bài báo đã lên đến 4.400.
Trong khi hầu hết các bài viết không cần sự can thiệp của con người, một số bài cần chỉnh sửa chút ít. Chẳng hạn, các công ty như Google và American Airlines yêu cầu các con số phải được đặt trong bối cảnh nhất định. Như vậy, một phóng viên sẽ cập nhật thêm chi tiết vào bài viết ban đầu. Hoặc bài viết về các công ty như Wells Fargo và Citigroup đòi hỏi rất nhiều sắc thái mà không phải lúc nào hệ thống tự động cũng làm được.
Patterson tiết lộ rằng AP đang bắt đầu xem xét sử dụng hệ thống tự động cho các nội dung khác ngoài các báo cáo doanh thu.
Các trường hợp khác
AP không phải là hãng tin đầu tiên sử dụng robot viết bài.
Tháng 3/2014, The Los Angeles Times đã thử nghiệm một công nghệ tương tự để viết một bài báo về một trận động đất ở khu vực này và báo này đã đánh bại các đối thủ cạnh tranh nhờ việc xuất bản bài báo trong vòng 3 phút. Trước đó, Nhật Bản đã là nước đầu tiên trên thế giới sử dụng robot phóng viên.
Công ty Technology Review đã cho ra đời một sản phẩm phần mềm viết gọi là Quill, được phát triển bởi Narrative Science có trụ sở tại Chicago. Phần mềm này đã được sử dụng để tường thuật trận đấu bóng chày trên cả truyền hình và các trang thể thao trực tuyến, và hiện nay nó giúp xử lí các báo cáo kinh doanh cho khách hàng, chẳng hạn như Forbes.
Giám đốc điều hành Narrative Science, ông Stuart Frankel, thừa nhận rằng ban đầu rất nhiều người cảm thấy phần mềm “đe dọa” công việc của họ. Nhưng hiện nay, họ đang có các khách hàng tài chính như T. Rowe Price, Credit Suisse và USAA. Narrative Science đang tận dụng kĩ năng của Quill để viết báo cáo chuyên sâu về hoạt động của các quỹ tương hỗ nhằm phân phối cho các nhà đầu tư hoặc các nhà quản lí. Các báo cáo này có thể dày 10-15 trang. Đại diện Technology Review cho biết hiện nay Quill cho ra hàng triệu từ mỗi ngày.
Kristian Hammond, nhà khoa học hàng đầu của Narrative Science cho biết Quill được lập trình với một số quy tắc viết phụ thuộc vào cấu trúc câu, đoạn và trang hợp lí. Các công ty cũng có thể điều chỉnh phong cách của Quill. Ví dụ, người dùng có thể lập trình Quill để đi sâu vào chi tiết hơn trong một bài viết pháp lí hoặc tập trung vào khía cạnh tích cực trong bài viết tiếp thị. Quill cũng có thể có cách viết riêng, chẳng hạn khi viết cho một khán giả yêu thích một đội bóng đặc biệt nào đó, nếu đội đó thua, nó có thể thông tin theo cách mà làm người đó bớt buồn.
Michael White, một giáo sư tại Đại học bang Ohio, Mỹ nói rằng trực giác nhạy bén, linh hoạt và khả năng bắt chước ngôn ngữ tự nhiên là những gì Quill có được.
Theo Infonet.
Bình luận