Chiều ngày 6/2/2015, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) đã tổ chức lễ công bố chỉ số TMĐT Việt Nam 2014.
Đây là năm thứ ba liên tiếp VECOM xây dựng chỉ số TMĐT Việt Nam (EBI) nhằm cung cấp một công cụ hỗ trợ các cơ quan quản lí nhà nước, các tổ chức và doanh nghiệp đánh giá một cách định lượng hiện trạng phát triển TMĐT của cả nước cũng như của từng địa phương về 4 trụ cột cơ bản của TMĐT gồm: hạ tầng và nguồn nhân lực, giao dịch trực tuyến giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C), giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) và giữa các cơ quan quản lí nhà nước với doanh nghiệp (G2B).
Trao đổi với báo chí bên lề lễ công bố, ông Nguyễn Thanh Hưng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư kí VECOM cho biết, chỉ số TMĐT Việt Nam 2014 đã cho thấy một số điểm khác biệt rất lớn so với các năm trước, phản ánh thực trạng phát triển TMĐT của nước ta thời gian vừa qua. Trước hết, về mức trung bình chỉ số TMĐT Việt Nam 2014, trên phạm vi cả nước, TMĐT Việt Nam đã bước lên một tầm cao mới, với mức độ chỉ số chung cao hơn năm 2013.
Cũng theo ông Nguyễn Thanh Hưng, phát hiện lớn thứ hai từ chỉ số TMĐT Việt Nam 2014 là hiện đang có sự chênh lệch rất lớn giữa các địa phương về hiện trạng ứng dụng cũng như mức độ sẵn sàng cho TMĐT. Trong đó, hai trung tâm kinh tế lớn Hà Nội và TP.HCM có mức độ phát triển tương đương và khác biệt hoàn toàn với các địa phương khác. “Đây là điểm khác biệt rất lớn, sẽ có ảnh hưởng sâu sắc tới các cơ quan hoạch định chính sách về TMĐT và Internet ở Trung ương cũng như các địa phương và doanh nghiệp”, ông Hưng nhấn mạnh.
Cụ thể, theo báo cáo chỉ số TMĐT Việt Nam 2014, năm vừa qua, trong khi điểm trung bình chỉ số TMĐT Việt Nam của tất cả các tỉnh là 56,4 thì điểm trung bình của nhóm 5 địa phương dẫn đầu là 68,3 và điểm trung bình của nhóm 5 địa phương đứng cuối là 48. Trong khi đó, điểm trung bình chỉ số TMĐT Việt Nam năm 2013 là 55,7 và điểm trung bình của nhóm 5 địa phương dẫn đầu là 66.
Đáng chú ý, báo cáo báo cáo chỉ số TMĐT Việt Nam 2014 cũng cho thấy, một nét nổi bật của hoạt động TMĐT nước ta trong năm qua là quyền lợi người tiêu dùng trực tuyến chưa được bảo vệ thỏa đáng.
Đại diện VECOM nhận định, việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên môi trường trực tuyến gặp nhiều khó khăn ngay tại những nước đã bảo vệ khá tốt quyền lợi người tiêu dùng trong môi trường thương mại truyền thống. Ở Việt Nam, tình hình còn phức tạp hơn nữa khi quyền lợi người tiêu dùng trong mua bán trực tuyến vẫn chưa được đảm bảo.
Kết quả khảo sát hoạt động TMĐT Việt Nam năm 2014 cho hay, đến nay, phần lớn doanh nghiệp kinh doanh online đã có chính sách bảo vệ thông tin cá nhân cho khách hàng, trong đó tỉ lệ các doanh nghiệp lớn quan tâm tới việc bảo vệ thông tin cá nhân cao hơn đáng kể so với những doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bên cạnh đó, tại Việt Nam đến nay chưa xuất hiện nhiều tranh chấp liên quan tới thông tin cá nhân trong các giao dịch trực tuyến.
Tuy nhiên, theo VECOM, kết quả khảo sát nêu trên mới phản ánh tình hình từ góc độ của doanh nghiêp. Còn từ góc độ người tiêu dùng trực tuyến, vấn đề bảo vệ thông tin cá nhân được phác họa với màu xám hơn. Khảo sát người tiêu dùng trực tuyến của Cục TMĐT và CNTT thuộc Bộ Công Thương năm 2014 cho hay, có tới 42% người tiêu dùng lo ngại bị lộ thông tin cá nhân trong mua sắm trực tuyến. Đồng thời, có tới 81% khách hàng lo ngại chất lượng sản phẩm mua trực tuyến thấp hơn so với quảng cáo. Đại diện VECOM khẳng định: đây là trở ngại lớn nhất với hình thức TMĐT loại hình B2C tại Việt Nam và cũng là một trong những vấn đề ưu tiên hàng đầu trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trực tuyện trong những năm tới.
Ngoài ra, báo cáo chỉ số TMĐT Việt Nam 2014 mới được công bố cũng chỉ ra một số điểm nổi bật khác của hoạt động TMĐT nước ta thời gian qua như: Thương mại di động hình thành và có xu hướng tăng nhanh; Thương mại trên các mạng xã hội tiếp tục phát triển; Dịch vụ chuyển phát chưa đáp ứng nhu cầu của TMĐT; Chính phủ điện tử được doanh nghiệp tiếp cận nhiều hơn; và Pháp luật liên quan đến TMĐT cũng được doanh nghiệp chú ý hơn.
Với phương pháp tiếp cận từ chiều “cầu”, chỉ số TMĐT Việt Nam 2014 được xây dựng dựa trên khảo sát thực tiễn ứng dụng TMĐT của gần 3.500 doanh nghiệp tại hầu hết các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong cả nước. Và so với năm 2013, mẫu phiếu khảo sát doanh nghiệp có một số thay đổi, điều chỉnh nhằm phản ánh xu hướng mua bán trực tuyến trên các thiết bị di động và mạng xã hội.
Theo ICTnews.
Bình luận