Toàn án quận trung tâm Seoul ngày 23/2 tuyên bố Viber đã vi phạm 4 bằng sáng chế của SK Telecom, và rằng hãng này sẽ không được phân phối ứng dụng của họ trên thị trường Hàn Quốc, theo tường thuật của tờ The Korea Herald.
Trong đơn kiện được nộp hồi năm ngoái, SK Telecom cáo buộc tính năng tổ chức lại thông tin chọn lọc từ các số liên lạc được lưu lại trên smartphone thành ứng dụng mà Viber sử dụng đã vi phạm bản quyền mà tập đoàn này đăng kí hồi năm 2006.
“Lệnh cấm sẽ được áp đặt đối với cả 2 nền tảng Android và iOS”, một quan chức của SK Telecom cho biết. “Chúng tôi chưa nghe tin tức gì từ Viber về việc liệu họ có đưa vụ kiện lên tòa án cấp cao hơn hay không”.
“Vụ kiện được tiến hành do Viber vi phạm bản quyền của chúng tôi rõ rành rành. Động thái này không nhất thiết có nghĩa rằng nó sẽ được mở rộng sang các ứng dụng nhắn tin khác như KakaoTalk. Chúng tôi không xem xét những động thái như thế”, quan chức trên nói thêm.
Tuy nhiên, các nguồn tin trong ngành cho biết vụ kiện bằng sáng chế của SK Telecom, nếu được tòa án cấp cao hơn chuẩn thuận, có thể cũng ảnh hưởng đến KakaoTalk, ứng dụng di động phổ biến nhất của tập đoàn Daum Kakao, do ứng dụng này cũng vận dụng công nghệ tương tự. KakaoTalk ước có 37 triệu người sử dụng nội địa ở quốc gia có 50 triệu dân.
Năm ngoái, Talmon Macro, CEO và là người sáng lập Viber, đã lập luận rằng động thái của SK Telecom nhằm để ngăn chặn những công ty như Viber và KakaoTalk hoạt động, cũng như để buộc tất cả người sử dụng Hàn Quốc quay trở lại dịch vụ tin nhắn ngắn.
Khi đó, SK Telecom đã phủ nhận cáo buộc này, khẳng định vụ kiện chỉ nhằm bảo vệ công nghệ của hãng.
Viber ra đời vào năm 2010, là sản phẩm chung của 4 doanh nhân Israel gồm Macro, Igor Megzinik, Sani Maroli và Ofer Smocha. Dịch vụ này chạy trên hầu hết nền tảng chính như Windows 8, Android, iOS,BlackBerry và Nokia.
Viber hiện có khoảng 360 triệu người dùng ở 193 nước, cung cấp dịch vụ bằng 38 thứ tiếng bao gồm tiếng Anh, Hebrew (Do Thái), Nhật Bản và Hàn Quốc. Dịch vụ này được tập đoàn bán lẻ trực tuyến Rakuten của Nhật mua lại hồi năm 2014 ở mức giá 900 triệu USD.
Theo PC World VN.
Bình luận