Trên thị trường di động hiện nay đã có rất nhiều mẫu điện thoại, máy tính bảng có khả năng chịu nước, chống nước. Tuy nhiên, đây mới chỉ là một lượng nhỏ trong số các mẫu máy đang được lưu hành trên thị trường. Chính vì thế, những tai nạn liên quan đến nước luôn làm đau đầu nhiều người sử dụng khi dính phải. Làm thế nào để xử lí đúng cách khi chiếc điện thoại, máy tính bảng hoặc bất kì một thiết bị điện tử nào đó của bạn bị rơi xuống nước? Dưới đây sẽ là những chỉ dẫn của Techz để các bạn có thể giải quyết vấn đề này.

Nguyên tắc đầu tiên: Nhấc ngay điện thoại ra khỏi nước

Việc cách li điện thoại khỏi nguồn nước bao giờ cũng là thao tác đầu tiên trong quá trình xử lí những sự cố kiểu như này. Khi điện thoại hoặc một thiết bị điện tử bất kì của bạn bị rơi xuống nước, bạn cần nhanh chóng nhấc chiếc điện thoại ra khỏi nước càng sớm càng tốt. Nếu thời gian bị ngâm nước càng kéo dài, khả năng chiếc điện thoại của bạn trở thành cục gạch sẽ càng lớn.

Tháo pin và tắt nguồn điện

Sau khi vớt chiếc điện thoại lên, chắc hẳn ai cũng sẽ nóng lòng muốn kiểm tra xem thiết bị của mình còn sống hay đã chết. Tuy nhiên, chớ vội bật màn hình của máy ngay lúc này bởi nếu làm như vậy rất có thể hiện tượng chập cháy các linh kiện bên trong sẽ xảy ra do đã có một lượng nước nhất định lọt vào trong máy. Ngay lúc này, bạn phải tiến hành tắt nguồn và tháo pin ra khỏi thiết bị của bạn (nếu có thể). Biện pháp này là để tránh hiện tượng chập cháy có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Lau sạch và làm khô

Sau khi đã tháo nguồn, hãy lấy một chiếc khăn thật khô ráo để lau sạch chiếc điện thoại của mình. Bạn có thể mở hết các đầu che cổng kết nối ra để nước thoát đi dễ dàng hơn. Nhiều người thường có thói quen dùng máy sấy để làm khô khi điện thoại bị rơi xuống nước. Tuy nhiên, đây chưa phải là một biện pháp tốt, hơi nóng từ máy sấy có thể giúp việc nước bốc hơi trở nên dễ dàng hơn, thế nhưng nó cũng ảnh hưởng trực tiếp đến các linh kiện điện tử.

Bạn có thể sử dụng máy sấy nhưng hãy dùng chúng với một khoảng cách đủ xa. Có một lưu ý nhỏ, đó là tuyệt đối không nên để hơi nóng từ máy sấy tiếp xúc với màn hình, bởi vì đây là khu vực dễ bị tổn thương nhất.

Bước tiếp theo, hãy bỏ ngay thiết bị của bạn vào trong tủ chống ấm và để nó trong đó một khoảng thời gian dài. Nếu nhà bạn không có tủ chống ẩm, bạn có thể bỏ thiết bị của mình vào trong một hộp nhựa, sau đó đổ hạt chống ẩm vào đó và đậy nắp thật kín để không khí không thể lọt vào.

Bạn cũng có thể sử dụng một phương pháp truyền thống khác là cho vào thùng gạo. Đặc tính của gạo là hút ẩm rất nhanh, bởi thế, chúng sẽ nhanh chóng lấy đi lượng chất ẩm đang còn ở trong máy của bạn. Tuy nhiên những phần bột gạo nhỏ li ti rất có thể sẽ lọt vào điện thoại hay các cổng kết nối khi sử dụng phương pháp này. Bạn có thể lấy một tấm vải xô bao bọc quanh điện thoại hoặc dùng bông gòn nhét vào các khe hở và cổng kết nối trước khi nhét tất cả vào trong hũ gạo. Tất nhiên, bạn cũng cần đậy thùng gạo của mình thật kín và tránh để không khí lọt vào.

Kiên nhẫn và chờ đợi

Sau khi đã làm hết tất cả những gì có thể và cần thiết, điều bạn cần làm tiếp theo là kiên nhẫn và chờ đợi thành quả sau những nổ lực của mình. Bạn sẽ cần phải duy trì thời gian để máy trong tủ chống ẩm hay thùng gạo đủ lâu để lượng nước ngấm vào trong máy có thể bị hút ra ngoài hết. Khoảng thời gian này kéo dài càng lâu sẽ càng tốt. Bạn cần phải duy trì thời gian hút ẩm của máy tối thiểu là 24 giờ. Sau khi cảm thấy đã đủ lâu, hãy lấy thiết bị của mình ra, lau chùi vệ sinh lại sạch sẽ rồi lắp pin hoặc cắm nguồn điện vào chạy thử. Nếu may mắn, thiết bị của bạn sẽ có thể sống lại và hoạt động bình thường.

Đây là những mẹo cơ bản dành cho việc chống nước và chống ẩm. Cách làm này có thể áp dụng với các thiết bị điện tử nói chung. Tuy nhiên, nếu bạn không muốn phó mặc quá nhiều cho may mắn, sau khi bỏ thiết bị của mình vào trong tủ chống ẩm, hãy mang nó đến các cửa hàng sửa chữa uy tín nhanh nhất có thể.

Theo Techz.




Bình luận

  • TTCN (0)