Dưới sự dẫn dắt của CEO Satya Nadella, một năm qua Microsoft đã có những thay đổi đáng kể tạm để xua đi hình ảnh một Microsoft già nua chậm chạp trong triều đại Steve Ballmer. Người khổng lồ phần mềm đang chuyển mình theo thời di động, với khẩu hiệu mới “mobile first, cloud first”, ưu tiên trên hết cho di động và đám mây. Công ty không chỉ tập trung vào mục tiêu kiếm tiền từ bán phần mềm như trước.
Hiện tại, Windows đã được xem như là một dịch vụ chứ không đơn thuần là phần mềm. Office – con gà đẻ trứng vàng, trong chiến lược mới có mặt khắp nơi được Microsoft miễn phí trên iOS và Android, thậm chí còn được tối ưu hóa cho các nền tảng đối thủ trước cả Windows Phone.
Windows vẫn là “linh hồn” của Microsoft, và công ty đang đặt cược vào Windows 10 – nền tảng hợp nhất cho mọi thiết bị, sau nỗi thất vọng Windows 8 và sự trì trệ của Windows Phone.
Từ thất bại của Windows 8
Windows 8 – hệ điều hành được tái sinh, theo lời giới thiệu ra mắt của Microsoft hồi tháng 10/2012, lấy màn hình cảm ứng làm trung tâm với kì vọng sẽ vực dậy được thị trường PC trong kỉ nguyên di động đến nay xem như đã thất bại. Suốt hơn hai năm qua, thị trường PC giảm sút liên tục sau thời hoàng kim tăng trưởng kéo dài 11 năm liền. Windows 8 và Windows 8.1 gộp lại chưa đạt tới 14% thị phần hệ điều hành máy tính để bàn, trong khi đó Windows XP đã nghỉ hưu từ tháng 4/2014 vẫn còn giữ được 19%, theo số liệu thống kê tháng 1/2015 của hãng phân tích Net Applications. Điều đó cho thấy người dùng không quan tâm tới việc nâng cấp PC lên Windows 8.
Windows 8 khi mới ra mắt được Microsoft quảng bá sẽ mang đến một trải nghiệm điện toán đám mây “không thỏa hiệp”, và người dùng cho dù là giải trí với máy tính bảng hay làm việc năng suất với PC cũng sẽ không phải băn khoăn chọn lựa. Tất cả là nằm ở triết lí thiết kế Windows 8 lấy màn hình cảm ứng làm trung tâm với giao diện Modern UI hiện đại thay cho desktop truyền thống.
Thực tế, với người dùng PC màn hình cảm ứng cũng như giao diện Modern UI không đem lại trải nghiệm hấp dẫn, vì bàn phím và chuột vẫn là điều khiển tối ưu cho làm việc năng suất với cả máy để bàn cũng như laptop.
Trong khi đó, máy tính bảng chạy Windows 8 cũng không hề khởi sắc. Các nhà sản xuất máy tính bảng không nhìn thấy cơ hội với Windows 8. Suface Pro trải qua 3 đời chưa hề được Microsoft công bố doanh số bán khiến chỉ có thể nhận định đó là thiết bị không được thị trường đón chờ. Máy tính bảng Surface dùng chip ARM chạy Windows RT xem như “chết yểu” vì không còn được nâng cấp. Microsoft còn cho biết Windows RT sẽ chỉ được nâng cấp một số tính năng của Windows 10, nghĩa là phiên bản Windows 8 được phát triển riêng cho các thiết bị sử dụng chip ARM không còn tương lai.
Và Windows Phone với cuộc chơi nửa chừng
Windows Phone được Microsoft tung ra vào cuối năm 2010 thay cho nền tảng Windows Mobile trong nỗ lực cạnh tranh với hai nền tảng iOS và Android. Sau thời kì đầu tăng trưởng nhanh, có lúc gần đạt mốc 4% thị phần của thị trường smartphone toàn cầu, Windows Phone bắt đầu chững lại. Năm qua, cho dù điện thoại Nokia đã thuộc hẳn Microsoft kể từ tháng 4/2014 thì Windows Phone cũng chỉ còn giữ được 2,7% thị phần, theo số liệu thống kê của IDC.
Nhiều chuyên gia phân tích có chung nhận định, Microsoft đã bị các đối thủ bỏ xa trong cuộc chơi di động, vì kho ứng dụng Windows Phone quá nghèo nàn cả về chất lượng và số lượng. Thêm vào đó là tình trạng ứng dụng trên Windows Phone chậm được nâng cấp càng khiến người dùng chán nản. Windows Phone đang ở vào tình thế con gà và quả trứng. Thị phần quá nhỏ không hấp dẫn các nhà phát triển tạo ra ứng dụng cho nó. Ngược lại người dùng khó có thể hào hứng với điện thoại Windows Phone khi thiếu ứng dụng. Thêm nữa, việc Microsoft theo đuổi chiến lược Office có mặt khắp nơi, miễn phí cho cả iOS và Android, càng khiến khách hàng truyền thống không còn lí do để gắn bó với Windows Phone.
Trong bối cảnh đó Microsoft lại lao vào cuộc chiến ở phân khúc giá rẻ nhằm mở rộng thị phần smartphone. Ngoài khó khăn do sự cạnh tranh quyết liệt từ đội quân đông đảo Android, có một thực tế là người dùng smartphone giá rẻ chi tiêu rất ít cho ứng dụng. Chiến lược theo đuổi phân khúc giá rẻ của Microsoft sẽ càng đẩy các nhà phát triển sang phía iOS tìm kiếm cơ hội bán ứng dụng cho khách hàng “sộp”. Và Microsoft lại càng khó giải bài toán phát triển ứng dụng cho Windows Phone.
Theo số liệu quý cuối năm vừa qua của Strategy Analytics, iOS và Android chia nhau toàn bộ lợi nhuận của ngành smartphone, tương ứng với tỉ lệ 89% và 11%, nghĩa là Windows Phone không tạo ra đồng tiền lãi nào.
Đến Windows 10: hứa nhiều, làm được bao nhiêu?
Ý tưởng Windows chạy trên mọi thiết bị của người dùng nghe có vẻ hấp dẫn. Theo như những gì Microsoft hứa hẹn thì Windows 10 sẽ là một hệ điều hành duy nhất không chỉ cho PC và máy tính bảng, mà còn cho smartphone, Xbox, và cả smartTV. Windows 10 sẽ tạo ra một hệ sinh thái hợp nhất, và người dùng sẽ có một cửa hàng ứng dụng duy nhất cho các loại thiết bị.
Nhưng Windows hợp nhất lại gợi lên những mối bận tâm mới. Liệu màn hình xanh chết chóc có “ám” điện thoại như với PC không; người dùng điện thoại bị phiền toái với các bản cập nhật và khốn khổ với virus ra sao.
Dù sao thì Microsoft cũng đang nỗ lực lấy lại niềm tin của người dùng sau thất bại của Windows 8. Menu Start đã trở lại màn hình máy tính dù trông có vẻ lộn xộn; quản lí nhiều ứng dụng trên màn hình tiện hơn với multiple desktop; thiết bị lai, như Surface Pro 3, sẽ có khả năng thay đổi giao diện linh hoạt phù hợp với chế độ sử dụng tablet hay laptop của người dùng.
Phiên bản mới cho điện thoại, Windows 10 for Phones, cũng bao gồm các tính năng và ứng dụng như Windows 10 chạy trên PC. Microsoft kì vọng các nhà phát triển sẽ không tốn công để ứng dụng cho PC của họ có thể chạy trên điện thoại, và như vậy sẽ khắc phục được điểm yếu chí tử thiếu ứng dụng của Windows Phone. Thêm nữa, với trình duyệt Spartan mới Microsoft có thể thuyết phục người dùng rằng ứng dụng không quan trọng bằng web cho di động. Spartan có thể gồm các tính năng quản lí nhiều tab, hỗ trợ bút stylus và tích hợp trợ lí cá nhân Cortana của Microsoft.
Cuối cùng và quan trọng vẫn là giá. Microsoft chưa cho biết giá Windows 10 ngoài tuyên bố miễn phí nâng cấp cho các phiên bản Windows 7 & 8.1 và Windows Phone 8.1 trong năm đầu phát hành Windows 10.
Liệu người dùng (và cả doanh nghiệp) có muốn Windows 10 hay không ít nhất phải chờ cho tới mùa Thu này. Nếu Windows 10 thất bại, Microsoft sẽ lại lỡ nhịp thêm vài năm nữa, và cuộc chơi di động xem như lùi xa ngoài tầm với. Nhưng nếu Windows 10 thành công thì tầm nhìn của Micrososft có thể tạo ra làn sóng thiết bị điện toán tiếp theo, như Apple và Google đã làm được những năm qua.
Theo PC World VN.
Bình luận