Thông tin này được tiết lộ trong báo cáo toàn diện được công bố đúng vào ngày kỉ niệm một năm sau vụ mất tích của máy bay MH370. Báo cáo 584 trang, được biên soạn bởi chính phủ Malaysia, cho biết pin của bộ báo hiệu vị trí trong trường hợp khẩn cấp nằm trong thiết bị ghi dữ liệu chuyến bay (một trong hai hộp đen trên máy bay) của MH370 đã cạn kiệt do hết hạn sử dụng (expired) từ tháng 12/2012.
Tuy nhiên, do máy tính gặp lỗi nên Malaysia Airlines đã không phát hiện ra để thay pin mới. Thiết bị ghi dữ liệu chuyến bay theo dõi tất cả các hệ thống của máy bay như thiết lập động cơ, hệ thống tự lái, hướng di chuyển, tốc độ và các thông số khác.
Pin cạn kiệt khiến quá trình tìm kiếm trở nên khó khăn?
Bộ báo hiệu vị trí dưới nước nằm trong hộp đen bị cạn kiệt pin khiến việc tìm kiếm, cứu hộ trở nên khó khăn hơn. Thông thường nhân viên cứu hộ tìm kiếm hộp đen dưới nước bằng hệ thống định vị vật dưới nước bằng âm hoặc siêu âm. Hệ thống này sẽ phát hiện ra sóng siêu âm do bộ báo hiệu vị trí phát ra mỗi giây một lần. Nếu pin của bộ báo hiệu vị trí không bị cạn kiệt, nó có thể phát tín hiệu siêu âm mỗi giây một lần, liên tục trong vòng 30 ngày.
Mặc dù pin của bộ báo tín hiệu bị cạn kiệt nhưng thiết bị ghi dữ liệu chuyến bay vẫn ghi lại toàn bộ thông tin của chuyến bay một cách bình thường bởi nó hoạt động nhờ nguồn điện của máy bay.
Trong nhiều tháng sau vụ mất tích của MH370, nhiều quốc gia đã triển khai các thiết bị chuyên dụng để tìm kiếm trong các vùng biển khác nhau nhằm tìm ra hộp đen của MH370. Hộp đen là thiết bị có thể cho chúng ta biết rõ nguyên nhân xảy ra tai nạn. Các nhà điều tra cũng cho biết, pin của bộ báo hiệu vị trí trong hộp đen thứ hai, chứa thiết bị ghi âm buồng lái, không bị hết pin tại thời điểm MH370 gặp nạn. Điều này có nghĩa là nó có thể phát tín hiệu siêu âm trong vòng một tháng sau khi xảy ra vụ mất tích.
Báo cáo cũng nghiên cứu kĩ hoàn cảnh, tiểu sử của phi hành đoàn chịu trách nhiệm điều khiển MH370.
Cụ thể, báo cáo nghiên cứu khá kĩ về sức khỏe thể chất và tinh thần của các phi công trên chuyến bay. Báo cáo kết luận rằng, cơ trưởng Zaharie Ahmad Shah không có tiền sử bị lãnh cảm, lo âu hay dễ bị kích động. "Không có sự thay đổi đáng kể nào trong lối sống của cơ trưởng, ông ta không hề có xung đột cá nhân với ai và không hề có căng thẳng trong gia đình ông ta. Cả Zaharie và phi hành đoàn đều không hề sống cách li với xã hội, không hề có sự thay đổi về thói quen hay sở thích, không có sự bê tha, lạm dụng ma túy hoặc rượu", báo cáo cho biết.
Khi kiểm tra về tài chính của phi hành đoàn, các nhà điều tra cũng không phát hiện ra bất kì dấu hiệu bất thường nào trong cách chi tiêu của họ. Báo cáo cho thấy, Zaharie có một vài tài khoản ngân hàng và hai tài khoản tín dụng. Ông cũng sở hữu hai ngôi nhà và ba chiếc xe, ông không mua bảo hiểm nhân thọ.
Cơ phó, Fariq Abdul Hamid, có hai tài khoản tiết kiệm và một tài khoản tín dụng. Ngoài ra, anh sở hữu hai chiếc xe và dành nhiều tiền cho việc bảo trì xe. Báo cáo còn chỉ ra rằng, Hamid không có nhiều tiền trong các tài khoản tiết kiệm, dù anh có mua bảo hiểm nhân thọ.
Pin lithium-ion?
Nhằm tránh xảy ra những tai nạn tương tự trong tương lai, báo cáo cũng tiết lộ rằng MH370 chuyên chở một lô hàng pin lithium-ion có trọng lượng 221 kg trong khoang chứa hàng. Tuy nhiên, các nhà điều tra cho rằng pin lithium-ion không phải nguyên nhân của vụ tai nạn.
Một số loại pin lithium-ion đã gây ra vài vụ cháy và tai nạn trên máy bay trong những năm gần đây, bao gồm vụ mất tích của chiếc UPS Boeing 747 bay từ Dubai tới Cologne, Đức, trong năm 2010.
Tuy nhiên, ban điều tra tai nạn MH370 đã không tìm ra bất kì lí do nào cho thấy lô hàng pin lithium-ion là nguyên nhân của vụ tai nạn, bởi chúng đã được đóng gói đúng quy định nhằm hạn chế nguy cơ cháy nổ. Báo cáo cũng cho biết, trước khi được đưa vào khoang chứa hàng của MH370, lô hàng pin lithium-ion không đi qua cửa kiểm soát an ninh mà chỉ được kiểm soát bởi nhân viên kiểm soát hàng hóa và nhân viên hải quan ở Penang.
Pin không bị xếp vào danh mục hàng hóa nguy hiểm. Từ tháng Giêng tới tháng Năm năm ngoái, có 99 lô hàng pin lithium-ion được vận chuyển trên các chuyến bay của Malaysia Airlines tới Bắc Kinh. Không một lô hàng pin nào trong số 99 lô hàng trên gây ra cháy hoặc nguy hiểm khác cho máy bay.
Tại Mỹ, thử nghiệm mới đây của Cục Hàng không Liên bang Mỹ chỉ ra rằng vận chuyển số lượng lớn pin lithium-ion có thể tăng nguy cơ gây cháy. Tuy cục Hàng không Liên bang Mỹ không cấm vận chuyển pin lithium-ion, nhưng hiện tại hai hãng hàng không lớn của Mỹ là Delta Airlines và United Airlines đã tuyên bố ngừng vận chuyển loại hàng hóa này.
Theo VnReview.
Bình luận