Nghề không khó học lại có thu nhập khủng
Chỉ cần có chút ít kiến thức về điện tử, sự khéo léo, tỉ mỉ và được đào tạo “chỉn chu” là một người bình thường có thể trở thành thợ sửa chữa ĐTDĐ chuyên nghiệp. Trước đây thường chỉ có nam thanh niên mới mong muốn theo đuổi nghề này. Tuy nhiên, thời gian gần đây do thu nhập cũng như điều kiện làm việc của nghề sửa chữa ĐTDĐ đã được cải thiện nên nhiều bạn nữ muốn thử sức để “làm giàu” với cái nghề này.
Trên thế giới nghề sửa chữa điện thoại đã được Nhà xuất bản Macmillan đánh giá là một trong 100 nghề đắt giá nhất thế kỉ 21 với những lí do, ĐTDĐ là sản phẩm công nghệ cao mà có số người dùng đông nhất thế giới. Chỉ tính riêng Việt Nam hiện nay đã có gần 60 triệu thuê bao. Lợi thế công việc là như vậy nhưng thời gian học nghề lại không dài, do đó tiết kiệm khá lớn chi phí học. Hơn nữa, tính tổng chi phí đầu tư cho nghề thì chỉ bằng khoảng 50% so với các nghề khác.
Ngoài ra, theo thống kê, thu nhập của một kĩ thuật viên sửa chữa ĐTDĐ trung bình tại các cửa hàng và các Cty bảo hành đều từ 3-4 triệu đồng/tháng (cao hơn thu nhập bình quân của một người tốt nghiệp CĐ). Sau 1 đến 2 năm làm việc, thu nhập có thể đạt 5-7 triệu đồng/tháng, hoặc cao hơn tùy thuộc vào năng lực cũng như kinh nghiệm của mỗi kĩ thuật viên. Đặc biệt, nghề này không chỉ dành riêng cho phái nam mà cả phái nữ cũng rất phù hợp. Bên cạnh đó, người làm sửa chữa điện thoại sẽ có cơ hội tiếp xúc với nhiều công nghệ mới, tiên tiến của thế giới, làm phong phú đời sống tinh thần của bạn khi theo nghề này.
Loan, một cô gái xinh xắn nhỏ nhắn, đã chọn cho mình công việc sửa điện thoại thay vì đi học trường CĐ Sư phạm, Loan chia sẻ: “Em đến với nghề này cũng như là một cái duyên, ban đầu nghĩ đây là nghề chỉ dành cho con trai, nhưng vốn ham mê điện thoại, thỉnh thoảng em cũng táy máy tự sửa, thấy hay nên quyết định đi học khóa đào tạo sửa chữa điện thoại thay vì đi học Sư phạm để làm giáo viên như mơ ước của bố mẹ…”. Mặc dù, Loan không chia sẻ với tôi về mức thu nhập hiện có của mình, nhưng rõ ràng với khối lượng công việc làm không bao giờ hết thì mỗi tháng cô gái trẻ này cũng phải đạt tới mức thu nhập 9-10 triệu đồng.
Cầm trên tay chiếc điện thoại Dell bị hỏng loa, tôi đến một cửa hàng sửa chữa điện thoại trên đường Cầu Giấy, sau vài phút kiểm tra tình trạng máy của tôi, anh thợ phán rằng: “Con Dell của anh bị hỏng loa rồi, mà loại thay thế chính hãng thì hiếm lắm, nếu anh cần em thay hàng tàu cho, chất lượng cũng tạm ổn…”.
Khi tôi hỏi giá thì anh thợ hét giá 300.000 đồng, hoảng quá tôi vội vàng tính kế hoãn binh và sang bên cửa hàng khác để khảo giá. Nhưng quả thật đấy là mặt bằng giá chung, bởi theo những tay thợ lão luyện trong nghề thì do máy của tôi dùng là hàng hiếm nên không có đồ thay thế nhiều, còn nếu là hàng “xịn” thì cũng phải nhưng có giá gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần.
Tôi mon men tìm hiểu thì được giới thiệu gặp H, một tay thợ chuyên sửa chữa ĐTDĐ lâu năm thì được biết giá thành thay thế bộ loa hỏng điện thoại, kể cả công “giỏi lắm” vào khoảng 100.000 đồng, vậy 200.000 đồng chênh lệch sẽ đi vào túi ai, xin thưa đó sẽ là phần lậu ngoài lương của nhân viên sửa chữa ĐTDĐ…
“Bây giờ như em học ĐH 4 năm trời, ra trường xin việc mãi không được, phải làm đủ thứ nghề từ chạy bàn tới nhặt bóng tại sân tennis cũng chỉ đủ ăn, tiền sinh hoạt hàng tháng vẫn phải xin gia đình. Trong khi đó bọn bạn cùng học phổ thông chả học ĐH nọ, CĐ kia, chỉ đi học lớp sửa chữa ĐTDĐ ngắn hạn nhưng bây giờ thu nhập hàng tháng đều như vắt chanh vào khoảng 8-10 triệu đồng…”, H.H.Q, một sinh viên mới ra trường tâm sự. Ngẫm thấy cũng đúng, nếu như lương công chức cho một người mới ra trường cũng chỉ khoảng 1,7 triệu đồng/tháng thì đúng là mức thu nhập của một người thợ sửa chữa điện thoại cũng gấp tới hơn 5 lần…
Trở thành đại gia từ sửa chữa điện thoại
Cho đến ngày hôm nay, khi đã nắm giữ trong tay ba cửa hàng kinh doanh ĐTDĐ với gần 80 nhân viên, Nguyễn Văn B vẫn giản đơn như cái thời tôi còn gặp anh với tư cách là “nhân viên” sửa chữa điện thoại. Với cái tính hào sảng, dí dỏm và khiêm tốn, B luôn cho rằng cuộc đời mình chẳng có gì đặc biệt. Sinh ra trong một gia đình có cha làm nhà giáo, mẹ làm nông nghiệp, kinh tế gia đình chỉ ở mức đủ ăn, B có ý thức tự lập từ rất sớm. Ở tuổi 15 - 16, đầu lớp 10, ngoài giờ học, anh lân la tại các quán sửa chữa điện tử, điện thoại để học việc. Đến khi thạo việc, B. bắt đầu nhận mối sửa điện thoại tại gia đình. Dù vậy, việc học hành của anh vẫn luôn được đảm bảo.
Học hết phổ thông, B đã có một quyết định khiến không ít người thân trong gia đình phản đối, đó là không thi ĐH mà xin vào một trường đào tạo nghề để học sửa chữa điện thoại. Nói là làm, chỉ sau một năm học nghề B đã có thể sửa chữa được hầu hết các loại điện thoại. Làm ăn uy tín, có trách nhiệm nên B có rất nhiều khách quen.
Sau một thời gian B quyết định mở cửa hàng chuyên sửa chữa điện thoại độc, trong lúc bạn bè đang “mài đũng quần” trên giảng đường ĐH, thì B đã có trong tay một số vốn tương đối lớn. Anh quyết định bắt đầu khởi nghiệp kinh doanh và kèm thêm dịch vụ sửa chữa điện thoại với số vốn ban đầu là 40 triệu.
Năm 2007 đánh dấu bước phát triển mạnh mẽ của B khi cùng một lúc anh mở 2 cửa hàng buôn bán và sửa chữa điện thoại. Nguyễn Văn B tâm sự: “Để có được thành công như vậy, tôi đã gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng với sự giúp đỡ, ủng hộ của người thân, bạn bè, tôi đã cố gắng vượt qua tất cả”. B chia sẻ: Khi làm nhà phân phối điện thoại. Bạn luôn phải đối mặt với sự cạnh tranh để giành lấy thị phần và cuối cùng cái bạn còn lại chỉ là tiền bạc.
Nhưng có lẽ việc tạo dựng được dấu ấn cho cuộc đời kinh doanh của mình mới là điều quan trọng nhất. Nguyễn Văn B cũng có những nguyên tắc riêng: “Tôi luôn tâm niệm sống tốt từng ngày. Tôi không kinh doanh những thứ trái pháp luật”. Đến năm 2010, hệ thống cửa hàng của B đóng thuế cho Nhà nước khoảng 1 tỉ đồng, bên cạnh đó anh cũng hỗ trợ hàng trăm triệu đồng cho các chương trình từ thiện. Nguyễn Văn B đặc biệt hâm mộ 2 tỉ phú Mỹ là Bill Gates và Warren Buffett vì khả năng kinh doanh thiên tài của họ cũng như việc họ luôn hướng về cộng đồng. Nguyễn Văn B cười rất tươi: “Kiến thức luôn rất quan trọng. Tôi không lấy mình ra làm thước đo, nhưng đối với các bạn trẻ, tôi nghĩ rằng: Học cách đam mê, lao động hết mình và nghĩ đơn giản thì chắc chắn sẽ thành công trong nghề kinh doanh nhiều thử thách nhưng cũng đầy thú vị”.
Thế mới biết nghề nào cũng có cái “hay” của nó, nếu ai thực sự biết yêu quý, trân trọng công việc mình đang làm thì chắc chắn công việc đó sẽ mang lại lợi ích cho họ.
Theo Phapluatxahoi.
Bình luận