Theo nguồn tin của Thời báo Phố Wall, Alibaba, hãng bán lẻ trực tuyến lớn nhất Trung Quốc, vừa đầu tư 200 triệu USD vào Snapchat. Khoản đầu tư nâng giá trị của dịch vụ nhắn tin di động lên 15 tỉ USD. Tuần này, công ty thương mại điện tử Rakuten của Nhật cũng đầu tư 530 triệu USD vào Lyft, một đối thủ của Uber.
Các thương vụ giá trị kể trên dường như đã trở thành quen thuộc với các “ông lớn” Internet của Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Nhờ vào tiềm lực tài chính và sức ép cạnh tranh khốc liệt, họ sẵn sàng chi cả núi tiền để tiếp cận những công nghệ hứa hẹn nhất trong tương lai.
Theo Tim Chang, Giám đốc Quỹ Mayfield (Mỹ), các công ty châu Á có thể ra quyết định nhanh chóng một khi họ cảm thấy hứng thú. Ông nhắc đến việc Masayoshi Son, Giám đốc SoftBank (Nhật Bản) đã kí một giao dịch chỉ sau cuộc họp kéo dài 1,5 tiếng đồng hồ.
SoftBank, Alibaba và Tencent đều mở các văn phòng đầu tư tại Mỹ và tuyển dụng các nhà đầu tư bản địa với mục tiêu tiếp cận công nghệ di động, game, giải trí số, thương mại điện tử và thanh toán mới. Không như các hãng đầu tư mạo hiểm, các nhà đầu tư này không lấy tài chính làm động lực. Họ “đào bới” để tìm ra công nghệ lớn lao kế tiếp rồi cuối cùng nhập khẩu công nghệ về quê hương.
Theo dữ liệu của Dow Jones VentureSource, công ty đầu tư mạo hiểm thuộc các tập đoàn châu Á là nhà đầu tư của 86 doanh nghiệp Mỹ năm 2014, tăng gấp đôi so với 3 năm trước. Đáng chú ý, vai trò của họ ngày một lớn mạnh, “dẫn dắt” 29 thương vụ tại Mỹ, mức tăng đáng kể với con số 0 của 5 năm trước.
Alibaba, công ty sở hữu khoảng 21 tỉ USD tiền mặt tính tới ngày 31/12/2014, đứng đầu thị trường thương mại điện tử Trung Quốc nhưng vẫn phải dè chứng đối thủ Tencent trên mặt trận nhắn tin di động. Hãng thiếu một đối thủ mạnh đủ sức cạnh tranh với WeChat của Tencent, ứng dụng đang có hơn 460 triệu người dùng. WeChat còn hoạt động như một cánh cổng dẫn đến dịch vụ mua sắm, ngân hàng và Internet trực tuyến. Có lẽ, đây là lí do Alibaba đầu tư vào Snapchat. Ngoài Snapchat, hãng còn rót 280 triệu USD vào Tango, ứng dụng nhắn tin tương tự.
Để việc đầu tư tại Mỹ diễn ra suôn sẻ, Alibaba có một nhóm nhỏ tại trung tâm tài chính của San Francisco, do Michael Zeisser và Peter Stern dẫn đầu. Phát biểu tại một hội thảo của tập đoàn tài chính Morgan Stanley tổ chức năm 2014, Phó Chủ tịch Alibaba Joe Tsai cho biết công ty của ông đầu tư vào Mỹ một phần vì đây là nơi diễn ra các đổi mới về công nghệ. Họ muốn là người đi trước đón đầu để khi mà các sản phẩm, dịch vụ đó đến được với Trung Quốc, họ không bị ai khác thao túng.
Bên cạnh việc chi hàng triệu USD cho startup, các gã khổng lồ châu Á còn hứa hẹn mang đến một đối tượng khán giả nước ngoài cho dịch vụ của họ. Theo Kent Wakeford, Giám đốc Kabam, công ty game nhận 120 triệu USD đầu tư từ Alibaba năm 2014, Trung Quốc là thị trường khó xâm nhập. Vì thế, họ cần liên kết với đối tác chiến lược, những người am hiểu hành vi khách hàng, marketing và phân phối, giúp họ vượt qua các rào cản để gia nhập thị trường. Một phần trong giao dịch của Alibaba với Kabam là phân phối game qua các kênh của Alibaba như trình duyệt UCWeb.
Thương vụ của Rakuten với Lyft cũng mang đến cơ hội cho cả hai. Startup đi chung xe, đối thủ số 1 của Uber, đang thử nghiệm các bước đi mở rộng thị trường quốc tế và tìm kiếm một nhà đầu tư giúp họ điều này. “Họ quan tâm tới Mỹ. Chúng tôi quan tâm đến chiến lược toàn cầu thông minh trong dài hạn”, John Jimmer, đồng sáng lập Lyft chia sẻ.
Theo ICTnews.
Bình luận