Trái với sự bùng nổ cách đây hai năm, thị trường máy tính bảng toàn cầu có xu hướng tăng chậm lại trong năm 2015. Ảnh: AFP.

Thời điểm cách đây hai năm được coi là thời kì phát triển mạnh mẽ của các sản phẩm công nghệ, đặc biệt là máy tính bảng. Dự kiến, doanh số máy tính bảng trên thị trường toàn cầu trong năm 2015 sẽ ảm đạm hơn sau khi tăng 4,4% trong năm ngoái và tăng mạnh tới hơn 50% trong năm trước đó.

Theo số liệu IDC đưa ra, Google với dòng máy tính bảng chạy hệ điều hành Android sẽ tiếp tục thống trị thị trường thế giới với 67% thị phần toàn cầu.

Mặt khác, doanh số bán iPad chạy hệ điều hành iOS của “gã khổng lồ” Apple chỉ chiếm 25% thị trường máy tính bảng từ nay tới năm 2019.

Trong khi đó, doanh số bán dòng máy tính bảng của Microsoft chạy hệ điều hành Windows dự kiến tăng lên từ mức 5,1% (năm 2014) tới 14,1% (năm 2019).

Theo các chuyên gia IDC, nguyên nhân chính khiến thị trường máy tính bảng toàn cầu hạ nhiệt là do người tiêu dùng ngày càng có xu hướng ưa chuộng dòng điện thoại thông minh màn hình lớn (phablet) hoặc các dòng máy tính xách tay siêu mỏng.

IDC đánh giá và đưa ra dự báo đây là mức tăng trưởng "thấp nhưng tích cực" của thị trường máy tính bảng toàn cầu. Biểu hiện là việc tăng doanh số bán các dòng sản phẩm ăn khách chạy hệ điều hành Windows của Microsoft và phát triển các dòng sản phẩm dành cho giới doanh nghiệp của một số hãng công nghệ..

“Nắm bắt nhu cầu hiện tại, Microsoft đang nỗ lực đem đến cho khách hàng những sản phẩm tốt nhất. Chúng tôi hi vọng rằng sự ra mắt của Windows 10 vào cuối năm nay sẽ không chỉ tác động đáng kể đến thị phần của Microsoft, mà còn có những ảnh hưởng tích cực đến toàn bộ ngành công nghiệp, đặc biệt là máy tính bảng" Jean Philippe Bouchard cho biết, chuyên gia nghiên cứu về thị trường máy tính bảng của IDC cho biết.

Theo Vnmedia.




Bình luận

  • TTCN (0)