Phản ảnh từ studio Việt BKGM Game cho thấy, tháng 11/2014, đơn vị này chính thức cho ra mắt tựa game di động giải đố Halloween Nightmare chạy trên hệ điều hành Windows Phone. Đến nay, trò chơi đã có 50 ngàn lượt tải về.
Thật bất ngờ, các thành viên nhóm phát hiện 1 đơn vị làm game Trung Quốc đã “ung dung sao chép” toàn bộ trò chơi, chuyển qua tiếng Trung và đưa lên mạng. Hiện tại, trò chơi ở vị trí dẫn đầu kho tải về Windows Store ở Trung Quốc, với hàng trăm lượt tải về mỗi ngày.
Xâm hại hiển nhiên?
Đại diện nhóm BKGM trình bày, trò chơi Halloween Nightmare là sản phẩm sáng tạo hoàn toàn của 13 thành viên studio, đều là các thành viên từ Đại học Hà Nội.
Chỉ sau 1 thời gian phát hành, trò chơi bị biến thành Halloween Nightmare Adventure của nhà phát hành Atom Boog (Trung Quốc). Đối chiếu kĩ thuật của nhóm cho thấy, ngoài việc thêm các đoạn quảng cáo và đổi qua tiếng Trung, game này không có bất cứ điểm gì khác biệt so với Halloween Nightmare của BKGM. Nghĩa là sản phẩm bị ăn cắp trắng trợn và mang lại lợi nhuận lớn cho những kẻ lợi dụng.Đáng buồn là nhiều tuần lễ, BKGM đã cố liên lạc tìm đầu mối có thể hỗ trợ “lấy lại công đạo”, song hầu như không có phản hồi nào. Chỉ dẫn duy nhất từ một số cá nhân có kinh nghiệm trong làng game Việt, là studio có thể báo cáo sai phạm cho Google và các kho tải về, để ngăn chặn việc làm phi pháp của đơn vị Trung Quốc. Nếu họ muốn hợp tác làm ăn, thì thương lượng với nhau. Còn không, thì BKGM chỉ còn cách “cầu vào may rủi”.
Nghĩa là dù bị “xâm hại’ quyền lợi, nhà sản xuất game Việt cũng chỉ có thể “ngậm bồ hòn làm ngọt” với đơn vị nước ngoài, vì không có đơn vị hay tổ chức nào đứng ra hỗ trợ giải quyết.
Tự chuốc chua cay?
Tuy nhiên, điều khiến cả nhóm studio BKGM ấm ức, là phản hồi lại lời kêu than của họ, chỉ là những lời “cười cợt” của đông đảo cộng đồng trên mạng và nhất là chính... những nhà phát hành. Bởi lẽ, trường hợp bị “cầm nhầm” sản phẩm của họ không hề hiếm hoi với làng công nghệ nội dung số.
Một nhà phát hành game tại Hà Nội nhìn nhận, thậm chí trong quan hệ làm ăn lâu nay, các doanh nghiệp nội dung số Việt Nam còn “sai phạm” nhiều hơn doanh nghiệp Trung Quốc nữa.
Gần đây nhất, cộng đồng đã phải phản ứng khi một studio games Việt đưa ra một sản phẩm “thuần Việt”, nhưng nhìn vào thấy giống hơn 90% một sản phẩm đã có của Trung Quốc. Vậy mà đơn vị này vẫn khăng khăng không hề có sao chép, khiến không ít người bất bình. “Thái độ chụp giựt trắng trợn như vậy, lại rất phổ biến ở nhiều đơn vị, thì làm sao có thể nói chuyện bắt người khác tuân thủ bản quyền sáng tạo của các doanh nghiệp Việt Nam?”
Rõ ràng trong quan hệ làm ăn với đối tác bên ngoài, nhiều đơn vị nội dung số Việt Nam không chỉ thua thiệt về năng lực đầu tư, quản trị, nhân lực, mà ngay ở tư duy trách nhiệm, cũng tồn tại nhiều bất cập, phổ biến nhất là vi phạm về các chế độ bản quyền và sở hữu trí tuệ.
Chưa hề có một tổ chức nào đứng ra hỗ trợ, truyền thông đích xác về các vấn đề này. Ghi nhận từ các doanh nghiệp cho thấy, ngay cả Trung tâm bản quyền, Cục sở hữu trí tuệ bộ Khoa học Công nghệ cũng chỉ chấp nhận đăng kí sản phẩm cụ thể, thương hiệu đã có.
Một địa hạt quan trọng của mảng công nghiệp nội dung số, là bản quyền trí tuệ từ ý tưởng, thử nghiệm, lại chưa được ai đặt ra. Trong khi đó, với thời đại công nghệ số hôm nay, chỉ cần một ý tưởng “bị lộ ra”, đã có thể dẫn đến những xung đột bản quyền gay gắt, về phần mềm, công cụ số hóa...
Yêu cầu tự tôn trọng bản quyền số, tự giác tuân thủ sở hữu trí tuệ... rõ ràng đã đến lúc phải được đặt ra nghiêm túc, nhất là với các doanh nghiệp nội dung số Việt Nam. Nếu không, những sự việc như studio BKGM bị “mất cắp” sản phẩm trên thị trường, là không thể tránh khỏi!
Theo Bizlive.
Bình luận