Sáng 18/3, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã tổ chức Hội nghị Ứng dụng công nghệ giám sát phương tiện giao thông trong đảm bảo trật tự, an toàn giao thông tại Việt Nam.
Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, cho biết hiện nước ta chưa thể giám sát trực tuyến giao thông cũng như cung cấp trạng thái giao thông cho người dân thông qua internet, điện thoại di động nhưng hoàn toàn có thể thực hiện vào năm 2016.
Theo đó, Việt Nam đã có hơn 130 triệu sim điện thoại di động, các thiết bị di động khác cũng có thể gắn sim vào. Nếu như tích hợp được trên điện thoại cầm tay thì sẽ có nguồn dữ liệu về trạng thái giao thông trên đường.
“Ví dụ, tôi cầm điện thoại đi trên đường, ôtô của tôi đi nhanh hay chậm thì sẽ được gửi về hệ thống cũng như dữ liệu của hàng triệu người đang tham gia giao thông sẽ được gửi về hệ thống và xử lí. Khi đó, chúng ta sẽ có được trạng thái thực của giao thông” - ông Hùng lí giải thêm.
Theo ông Hùng, dựa vào thiết bị giám sát hành trình của xe kinh doanh vận tải rõ ràng không thể so sánh được với điện thoại di động người dân đang sử dụng. “Nếu như ta có được dữ liệu từ điện thoại di động thì chúng ta khẳng định lúc đó trạng thái thực của giao thông sẽ được cập nhật đầy đủ hơn và lúc đó sẽ đưa ra được giải pháp trong vấn đề giao thông” - ông khẳng định.
Để cập nhật thông tin, nhà mạng phải làm việc với khách hàng để đi đến thống nhất:
Thông thường các nước, nếu thuê bao chấp nhận để nhà mạng sử dụng dữ liệu của mình thì khi đó nhà mạng cung cấp ngược trở lại những thông tin liên quan đến giao thông mà thuê bao cần.
Cũng tại hội nghị, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia chính thức đề nghị Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel và Tổng cục Đường bộ Việt Nam chính thức tham gia hợp tác với nhóm nghiên cứu dự án này. Theo đó, Viettel không chỉ là đơn vị bán thiết bị giám sát hành trình mà sẽ thành nguồn cơ sở dữ liệu cho hệ thống giao thông Việt Nam.
Được biết, hiện Tổng công ty Viễn thông Quân đội (Viettel Telecom) chiếm xấp xỉ 50% thị trường thuê bao di động. Tại hội nghị trên, Viettel Telecom đã giới thiệu một giải pháp sử dụng kết quả từ việc phân tích gói dữ liệu lớn qua các thiết bị giám sát hành trình và dữ liệu điện thoại trực tuyến để xây dựng các công cụgiám sát giao thông, quản lí đèn tín hiệu, phương tiện, biển báo… Nguồn thông tin này giúp cho nhà quản lí dự báo và quy hoạch đô thị, điều hành và xử lí các vấn đề khác của giao thông.
Theo Người Lao Động.
Bình luận