Theo tiết lộ của Astro Teller, trưởng dự án Google X, với tờ The Verge, không giống với hàng dãy turbine gió quen thuộc – có kích thước khổng lồ và được trồng ở những khu vực trống trải – thiết bị của Google trông như các máy bay cánh quạt. Chúng có thể bay với độ cao 450m.

Ở độ cao này, “máy bay” bắt đầu bay thành vòng tròn trên bầu trời (như kiểu một quỹ đạo cố định). Sức gió sẽ khiến 8 chong chóng gắn trên đó quay và tạo ra công suất tổng cộng 600kW và truyền xuống mặt đất thông qua dây dẫn.

Đây vốn là công trình của Makani Power, công ty mà Google mua lại vào năm 2013. Kích thước của các máy bay – turbine đã được tăng từ gần 10m lên 25m, và qua đó có thể tăng gấp đôi lượng cánh quạt gắn kèm.

Để thử nghiệm, nhóm nghiên cứu đã cho các mẫu máy bay cất cánh ở Pigeon Point in Pescadero, bang California, được coi là nơi gió dữ nhất khu vực Nam Mỹ. Tại đây, gió có thể đổi chiều theo góc 90 độ và tốc độ thay đổi 30km/h chỉ trong tích tắc. Một trong những yêu cầu được đặt ra với Astro Teller là phải phá hỏng ít nhất 5 mẫu quạt gió trong quá trình bay thử. “Chúng tôi đã không cách gì thất bại được”, Teller kể. “Không có bất cứ tai nạn nào xảy ra”.

Thoạt nhìn, đây là một dự án năng lượng sạch thuần tuý. Tuy nhiên, tham vọng của gã khổng lồ tìm kiếm đi xa hơn rất nhiều. Hồi đầu tháng, hãng tuyên bố Titan, công ty chế tạo thiết bị bay không người lái được mua lại vào tháng 4/2014, sẽ tiến hành bay thử nghiệm chuyến đầu tiên vào cuối năm, với loại máy bay siêu nhẹ mới dùng năng lượng Mặt Trời.

Nhiệm vụ của các máy bay này là cung cấp chùm mạng Internet tới một khu vực trên mặt đất bên dưới, bổ sung các dịch vụ hiện có hoặc cung cấp truy cập trong một khu vực khó triển khai mạng. Sau khi bước đầu thành công chế tạo xe không người lái, Google đã lại sớm đi trước trong nỗ lực phủ sóng trên không.

Theo Nghenhinvietnam.




Bình luận

  • TTCN (0)