Công nghệ: Tiến gần đến "hoàn hảo"
Kể từ khi ra mắt chiếc Macintosh đầu tiên, Apple đã luôn theo đuổi mục tiêu: Sự hoà hợp không ranh giới giữa phần cứng, phần mềm và tính liên kết. Trong khi, các công ty công nghệ khác như Samsung, Microsoft và Google đều phần lớn tập trung vào 1 hoặc 2 yếu tố là cùng. Google và Microsoft là những doanh nghiệp về phần mềm hơn là phần cứng, còn Samsung có thể nói là công ty chuyên phần cứng.
Sự khác biệt ở đây chính là tầm nhìn của Apple. Chiếc Macintosh đầu tiên năm 1984 thực chất là một phần tầm nhìn của Apple cũng giống như iPhone và iPad ngày nay. Tất nhiên là chiếc Macintosh đó to hơn, cồng kềnh hơn và công nghệ chưa được hiện đại như ngày nay, nhưng nó vẫn phần nào phản ánh những sản phẩm Apple đang bán hiện nay: một chiếc màn hình kì diệu được thiết kế để tạo ra sự tiếp xúc mượt mà nhất cho khách hàng.
Trong những năm qua, Apple đã đánh bóng và làm mới những màn hình kì diệu này, khiến chúng mỏng hơn, gọn nhẹ hơn, nhanh hơn và phát triển thành hàng loạt dòng sản phẩm khác nhau bao gồm iPhone, iPad, MacBook, iMac và bây giờ là Apple Watch.
Và sau gần 3 thập kỉ, có thể nói, Apple gần như đã đưa những màn hình kì diệu này tới gần mức hoàn hảo. Và điều Apple hướng tới là mỗi người dân trên thế giới đều sở hữu 1 màn hình kì diệu, vừa nhẹ, vừa mỏng và đầy sức mạnh.
Thời trang: Thâm nhập để thích nghi
Tuy nhiên, Apple đang đi rất nhanh tới “ngưỡng” khi mà hãng này khó có thể tạo ra những đột phá về công nghệ cho những sản phẩm của họ. 5 năm sau, việc tiêu thụ iPad trên thế giới có thể sẽ trở nên phổ biến như việc người tiêu dùng mua Macbook hiện nay. Và iPhone cũng tiếp tục được làm mới sau chu kì 2 năm. Nhưng, điều gì sẽ xảy ra khi những đột phá về công nghệ không đủ nhiều để liên tục nâng cấp sản phẩm trong mắt người tiêu dùng?
Định luật Moore, vốn được biết đến là bước ngoặt trong ngành công nghệ điện tử, giải thích tại sao các nhà sản xuất có thể giảm giá thành trong khi vẫn tiếp tục nâng cao hiệu suất phần cứng, đồng thời chỉ ra rằng những đột phá về công nghệ sẽ tăng lên gấp đôi sau mỗi chu kì 2 năm. Giới công nghệ thế giới hiện nay đang tranh cãi xoay quanh việc định luật Moore sắp “chết”.
Xét cho cùng, đây không phải một quy luật tự nhiên, mà chỉ là một giả thuyết được đặt ra sau khi các nhà quan sát những mô-típ xảy ra trong thực tế và đúc rút lại. Và cuối cùng, những chiếc điện thoại, máy tính bảng và máy tính xách tay rẻ nhất cũng sẽ được sản xuất và đủ tốt cho tất cả mọi người tiêu dùng. Apple thì muốn tối ưu hoá những ứng dụng của họ, nhưng họ vẫn muốn khách hàng mua những sản phẩm mới mỗi năm, và thu được lợi nhuận lớn trên mỗi mẫu sản phẩm mới được tung ra.
Do vậy, để thích nghi với tương lai, họ cần thay đổi và thâm nhập vào thế giới thời trang. Thời trang chối bỏ mọi nguyên tắc hay vòng đời về nâng cấp sản phẩm. Chẳng hạn, bạn không mua những chiếc quần vì sự đột phá mới về chức năng của nó, hay bởi vì chiếc quần của bạn đã rách. Bạn mua chiếc quần mới là vì hàng loạt những yếu tố như: những gì họ quảng cáo về mẫu quần mới này, chúng được làm từ chất liệu gì, độ tinh tế trong những đường may, người nào khác đang mặc những mẫu quần này, những người nổi tiếng nào đang là người mẫu cho nhãn hàng này… Và bạn vẫn mua chiếc quần mới, dù cho sự thật là tủ quần áo của bạn đã chất đầy những chiếc quần còn rất tốt.
Trong tương lai gần, sẽ đến ngày, chúng ta coi những sản phẩm công nghệ - hay những chiếc màn hình kì diệu - như những gì sản phẩm phổ biến đời thường, như những bộ quần áo chúng ta đang mặc. Khi đó, yếu tố thời trang sẽ là chìa khoá khiến những sản phẩm này vẫn hấp dẫn trong mắt người tiêu dùng, mặc dù ở thời đại này, những đột phá về công nghệ không còn là lợi thế chính cho các hãng sản xuất thiết bị.
Tầm nhìn 30 năm
Thời trang chính là động cơ điên rồ khiến khách hàng sẵn sàng chi ra 1.000 USD để mua một chiếc áo sơ mi chỉ vì ca sĩ Kanye West đã mặc mẫu áo này, hay mua một đôi giày với giá 300 USD chỉ vì nó có hình một vận động viên có thể nhảy cao 10 feet trên không trung.
Điều đó thực sự điên rồ, tuy nhiên, thời trang chối bỏ mọi nguyên tắc truyền thống trong việc đưa ra những quyết định mua sắm sáng suốt. Lí do là gì, tính thời trang đã buộc chặt một cách vô hình và khó tả vào tâm trí mỗi con người. Thời trang hấp dẫn con người dựa vào yếu tố cá tính và cái tôi - điều mạnh hơn tất cả.
Có thể nói, đây chính là yếu tố vô cùng quan trọng đối với sản phẩm đồng hồ thông minh mà Apple tung ra. Những chiếc đồng hồ luôn là chiếc cầu nối giữa công nghệ và thời trang.
Rõ ràng là Apple đang có “âm mưu” xâm chiếm thế giới thời trang. Quảng cáo Apple Watch xuất hiện trên tạp chí thời trang danh giá Vogue. Và Apple Watch đã gây chấn động trong tuần lễ thời trang Paris. Apple đã thuê những nhân vật có tiếng trong giới thời trang như cựu CEO Burberry, Angela Ahrendts. Bà chính là người phụ nữ đầu tiên tham gia vào ban điều hành mới của Apple dưới thời Tim Cook. Những điều này không phải là sự ngẫu nhiên, mà hoàn toàn là chiến lược của Apple.
Một câu hỏi có thể được đặt ra: “Apple sẽ như thế nào với vai trò một công ty thời trang?”. Thực chất, Apple sẽ không khác nhiều với những gì hãng này hiện đang sở hữu. Apple hiện đã có những showroom bán lẻ với đẳng cấp bằng, thậm chí vượt xa, những cửa hàng bán lẻ của các thương hiệu thời trang trên thế giới. Người tiêu dùng đã “không cưỡng được” mà mua những chiếc ốp điện thoại iPhone để thể hiện cá tính của họ, hoặc thể hiện đẳng cấp của mình với thế giới bên ngoài. Apple cũng đang tận dụng yếu tố này để tung ra phiên bản Apple Watch mạ vàng 18 karat. Và thậm chí, chiếc Macbook mới ra mắt của Apple cũng có 3 phiên bản: đen, bạc và vàng.
Những người không thích Apple từ lâu đã nói rằng, những chiếc iPhone và Mac không phải là những sản phẩm công nghệ, máy tính, mà là những sản phẩm thời trang. Có thể, những nhận định này phần nào đang đúng. Dù là sự “dịch chuyển” rất chậm nhưng chắc chắn, Apple đang đưa ra những dấu hiệu rằng hãng công nghệ hàng đầu thế giới này đang nhìn thấy tương lai của họ rõ ràng hơn với sự đồng chỉnh giữa thời trang và công nghệ. Nhưng điều này không hẳn có ý nghĩa là Apple sẽ không sản xuất sản phẩm công nghệ nữa.
Apple không chỉ nhìn trước tương lai của họ trong vòng vài ba năm trước mắt, mà là 30 năm trong tương lai.
Hiện nay, Apple có thể mới nhón 1 ngón chân của họ vào thế giới thời trang với sản phẩm Apple Watch, và chưa thực hiện điều đó với những chiếc màn hình kì diệu khác của họ. Nhưng ai nói trước được, có thể 30 năm sau, những sản phẩm phố biến như áo quần chúng ta mặc hàng ngày, lại không phải là những màn hình kì diệu như những sản phẩm của Apple?
Theo Doanh nhân Sài Gòn.
Bình luận