Từ cuối năm 2014, nhiều chuyên gia lo ngại năm 2015 sẽ là một năm khiến Google phải đau đầu. Nguyên do đến từ việc kết quả kinh doanh của gã khổng lồ Internet không có nhiều đột phá, không có sản phẩm gây ấn tượng trong khi các đối thủ sừng sỏ nhất là Facebook, Apple lại không ngừng tăng trưởng.

Tháng 5/2014, nhà phân tích Justin Post hạ mức xếp hạng Google với lí do “gà đẻ trứng vàng” là mảng tìm kiếm đã gần bão hòa. Cuối tháng 1/2015, Google công bố kết quả kinh doanh quý IV/2014 với doanh thu tăng chút ít, không có gì đặc biệt, trong khi giá mỗi click quảng cáo (CPC) lại giảm 3% so với cùng kì năm trước.

Mới đây, trong bài viết có tiêu đề “Google nên bắt đầu lo lắng”, Business Insider đã ví Larry Page, đồng sáng lập kiêm Tổng Giám đốc Google, như người đang mê ngủ.

Facebook đang tấn công toàn diện vào Google. Mạng xã hội này vừa tung ra chức năng nhúng video vào website và mạng lưới quảng cáo mới, cạnh tranh với YouTube và quảng cáo tìm kiếm hiển thị DoubleClick của Google.

Gần đây, Facebook trở thành đội quân sát thủ trong lĩnh vực video và ngày càng củng cố vị trí này. Với lượng dữ liệu về người dùng khổng lồ, nó là điểm đến hấp dẫn cho quảng cáo video, quảng cáo hiển thị, làm suy yếu mảng hiển thị của Google.

Dường như Google bất lực trước việc ngăn chặn bước đi của đội quân Facebook. Nó không có câu trả lời thích đáng nào. Nó thử và thất bại với Google+. Google không sở hữu thứ gì giống NewsFeed trên Facebook để chèn quảng cáo của các thương hiệu ngay trong những thứ người dùng đang đọc và đang làm.

Một điểm đáng lưu tâm nữa chính là giá quảng cáo trên Facebook đắt gấp 6 lần YouTube. Quảng cáo trước khi phát video YouTube có phí 3 cent/phút, còn quảng cáo xã hội tốn 18 cent. Theo người đứng đầu bộ phận nghiên cứu truyền thông của Bloomberg, Paul Sweeney, nguyên nhân quảng cáo Facebook đắt giá hơn là chúng được định hướng tốt hơn.

Nhìn từ bên ngoài, Facebook dần một mạnh hơn, còn Google lại đang quýnh quáng. Có vẻ Larry Page đã buông lỏng trách nhiệm với công ty vào đúng thời điểm quan trọng.

Trong khi Mark Zuckerberg tập trung vào các cơ hội mười mươi như quảng cáo di động trong ứng dụng, phát video trong ứng dụng, kiếm tiền từ Instagram, xây dựng nền tảng với WhatsApp và Messenger, bên kia chiến tuyến, Larry Page lại để tâm vào các thứ “trên trời” như người máy, xe hơi tự lái.

Chúng là các công nghệ thú vị, chúng ta nên cảm ơn vì Google sẵn sàng thử nghiệm chúng. Tuy nhiên, không rõ chúng có trở thành mảng kinh doanh thu lợi nhuận hay không.

Có phải Page đã quá chán với việc điều hành một công ty Internet dựa vào quảng cáo? Có phải ông cho rằng Instagram hay Snapchat tầm thường? Ông không đào sâu vào mảng quảng cáo hiển thị, thúc đẩy việc kinh doanh của Google lên tầm cao mới. Ông thích làm việc để thay đổi thế giới hơn?

Còn với Zuckerberg, vị lãnh đạo trẻ tuổi này hứng thú với việc thúc đẩy công ty đi lên phía trước, ngay cả khi nó đồng nghĩa với việc tập trung vào các dự án nhỏ hơn như quảng cáo video.

Bên cạnh Facebook, Apple như đổ thêm dầu vào lửa lên đầu Google. Năm 2014, “táo khuyết” cho ra đời dòng sản phẩm đặc biệt mạnh là iPhone 6 và MacBook mới. Theo báo chí, thỏa thuận dùng Google làm công cụ tìm kiếm mặc định trong tình duyệt Safari của Apple sẽ hết hạn trong nửa đầu năm 2015. Đây cũng là điều khiến Google đau đầu nếu bị Apple rũ bỏ.

Google từng bị Mozilla “đá đít” để sử dụng Yahoo làm công cụ tìm kiếm tại Mỹ nhưng đây không phải mối lo lớn nhất. Google không lo về thị phần desktop mà chính là thị phần di động. Safari chiếm 45% thị trường trình duyệt di động tại Mỹ, nếu mất mối này, Google sẽ tổn thất không nhỏ. Đặc biệt, Tổng Giám đốc Apple Tim Cook còn nhắc đến chuyện Google là đối thủ thực sự duy nhất của Apple.

Tất nhiên, nói như vậy không phải là Google có thể tan biến ngay lập tức. Hãng vẫn tiếp tục kiếm tiền nhưng rất khó để biết nguồn tăng trưởng tiếp theo đến từ đâu.

Di động dần soán ngôi desktop trong mảng tìm kiếm. Người dùng đang sử dụng ứng dụng để tìm kiếm nhiều hơn. YouTube không phải thứ mang về lợi nhuận “khủng”, mạng chia sẻ video chỉ kiếm được 4 tỉ USD trong năm 2014. Android là hệ điều hành di động thành công rực rỡ nhưng iPhone mới sở hữu những người dùng giá trị nhất và iOS cũng đang giành thị phần từ Android. Android chưa bao giờ phát triển thành một mảng kinh doanh thực sự và không rõ bao giờ mới trưởng thành.

Vậy, tương lai Google nằm ở đâu? Larry Page là người ủng hộ nhiệt thành việc Google phát minh ra tương lai thông qua các ý tưởng thú vị như khí cầu Internet, startup kéo dài tuổi thọ con người. Song, chúng có thể hái ra tiền không?

Thế giới công nghệ có khuynh hướng phát triển thần tốc. Chỉ 2 năm trước, thế giới đang chìm trong tình yêu với Google và nghĩ rằng hãng sẽ trở thành công ty nghìn tỉ đô-la. 3 năm trước, Facebook còn bị nhìn với ánh mắt e dè, Apple cũng như bị chìm nghỉm. Tuy nhiên đến nay, Facebook và Apple là vua, còn Google lại khiến người ta lo lắng.

Ngay lúc này, có cảm giác Google đang mất phương hướng, còn Facebook đang có tất cả đà phát triển. Rất có thể Google sẽ trở thành Microsoft thứ hai, một công ty với những cá nhân kiệt xuất, ý tưởng kiệt xuất nhưng khi đưa vào hiện thực lại thất bại, kéo giá cổ phiếu cả một thập kỉ đi xuống.

Theo ICTnews.




Bình luận

  • TTCN (0)