Theo báo cáo chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT-TT Việt Nam 2014 (Vietnam ICT Index), chỉ số sản xuất - kinh doanh CNTT của Hà Nội đứng ở vị trí thứ 5/63 (năm 2013 đứng ở vị trí thứ 6/64) tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong khi đó, Bắc Ninh, Đà Nẵng, TPHCM luôn dẫn trước Hà Nội trong 3 năm qua.
Chia sẻ tại buổi gặp gỡ các doanh nghiệp CNTT tại Hà Nội tổ chức hôm qua tại Sở TT&TT, TS Nguyễn Long, Chủ tịch Hội tin học Việt Nam cho rằng tất cả các số liệu khảo sát đều cho thấy Hà Nội đang tỏ ra thua kém Đà Nẵng và TPHCM về mức độ ứng dụng CNTT cũng như phát triển CNTT.
Theo TS Long, nguyên nhân là bởi vì Hà Nội triển khai chậm hình thành các Khu CNTT tập trung (so với TPHCM, Đà Nẵng) và chưa có cơ chế, chính sách ưu đãi cụ thể. Mặc dù Hà Nội đã kế hoạch chuẩn bị hạ tầng cho 2 khu Sài đồng và Long biên để định hướng cho xu thế gia công phần mềm và dịch vụ CNTT.
Ông Long cho rằng ngoài việc kêu gọi thu hút đầu tư nước ngoài, như Nhật Bản thì cần mở cửa và kêu gọi các doanh nghiệp Hà Nội tham gia đầu tư và tham gia trong Khu CNTT tập trung.
“Cần công bố công khai, minh bạch các cơ chế, chính sách ưu đãi của Hà Nội cho các Doanh nghiệp theo định hướng sản phẩm - giải pháp”, ông Long đề xuất.
Trong báo cáo tình hình phát triển Công nghiệp công nghệ thông tin thành phố Hà Nội, Sở TT&TT cũng thừa nhận việc triển khai dự án Khu Công viên phần mềm và nội dung số trọng điểm của Thành phố Hà Nội và các dự án Khu CNTT tập trung trên địa bàn còn rất chậm. Chưa có cơ sở đột phá để thu hút đầu tư phát triển ngành công nghiệp CNTT Hà Nội. Thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào lĩnh vực công ngiệp CNTT của thành phố Hà Nội thời gian qua còn rất thấp so với các địa phương khác trong cả nước. Cụ thể, tại các tỉnh Bắc Ninh và Thái Nguyên, Công ty Samsung Electronics Việt Nam đã đầu tư xây dựng các nhà máy sản xuất điện thoại di động với tổng số vốn đầu tư gần 7 tỉ USD, giá trị xuất khẩu đạt 26,5 tỉ USD; tại thành phố Hồ Chí Minh, Tập đoàn Intel đã đầu tư nhà máy sản xuất chip với số vốn đầu tư hơn 1 tỉ USD, giá trị xuất khẩu đạt khoảng 1,8 tỉ USD; tại thành phố Hải Phòng, Công ty LG Electronics Việt Nam đã đầu tư xây dựng tổ hợp nhà máy LG với tổng mức đầu tư 1,5 tỉ USD,…
Sự tham gia phối hợp của doanh nghiệp với Sở TT&TT trong việc thực hiện công tác khảo sát số liệu, thống kê, báo cáo định kì về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp CNTT trên địa bàn Thành phố còn chưa chặt chẽ, chưa có chế tài đối với doanh nghiệp không nộp báo cáo.
Ngoài ra, báo cáo cũng cho rằng nguồn kinh phí hỗ trợ từ nguồn ngân sách của Thành phố cho phát triển công nghiệp CNTT, phát triển kinh tế tri thức còn rất hạn chế.
Theo số liệu từ Sở TT&TT, năm 2014, có khoảng gần 5.000 doanh nghiệp hoạt động liên quan đến công nghiệp CNTT. Tốc độ tăng trưởng trung bình của ngành công nghiệp CNTT Hà Nội khoảng 12-15%/năm, đóng góp khoảng 12% doanh thu của ngành công nghiệp CNTT cả nước. Doanh thu năm 2014 tăng trưởng 14,3% so với năm 2013.
Tính đến nay, toàn Thành phố có khoảng hơn 3.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp phần cứng, điện tử và dịch vụ liên quan với số lượng lao động của doanh nghiệp (bao gồm cả doanh nghiệp thiết kế, chế tạo sản phẩm phần cứng và lắp ráp, gia công sản phẩm phần cứng và doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ công nghiệp phần cứng). Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được đầu tư mạnh mẽ về tài chính và công nghệ nên đóng vai trò quan trọng trong ngành công nghiệp phần cứng như: Canon, Panasonic, Fujitsu, … Tuy nhiên, nhìn chung hoạt động chủ yếu của ngành công nghiệp phần cứng trên địa bàn Thành phố vẫn là lắp ráp sản phẩm, phụ thuộc nhiều vào việc cung cấp linh kiện từ nước ngoài trong khi công nghệ lõi, công nghệ phụ trợ phát triển còn chậm chưa đáp ứng nhu cầu.
Trong khi đó, đối với lĩnh vực công nghiệp phần mềm, nội dung số và dịch vụ, số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn Thành phố là hơn 1.500 doanh nghiệp. Tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp phần mềm, nội dung số và dịch vụ năm 2014 đạt khoảng 14,25% so với năm 2013 với doanh thu đạt khoảng 830 triệu USD.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp phần mềm, nội dung số và dịch vụ là các doanh nghiệp vừa và nhỏ nên sức cạnh tranh còn thấp ngoại trừ một số doanh nghiệp có quy mô lớn, thương hiệu mạnh, sức cạnh tranh cao trong nước và quốc tế như: FPT Software (đạt chứng chỉ CMMi mức 5); Công ty TNHH Misa, Công ty cổ phần công nghệ Tinh Vân, Công ty cổ phần phần mềm Luvina, Công ty Qsoft Việt Nam, Công ty cổ phần VTC Online, Công ty cổ phần Hòa Bình, Công ty cổ phần VCCrop, Công ty phần mềm và truyền thông VASC, Công ty điện toán và truyền số liệu VDC, … (là những doanh nghiệp đạt chứng chỉ CMMi mức 3).
Tại buổi gặp gỡ, ông Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBND Hà Nội, nhấn mạnh: “Vai trò tham mưu của Sở TT&TT là rất quan trọng, phải lắng nghe ý kiến của DN để biết được chính sách nào là không phù hợp thì nghiên cứu đề xuất để sửa đổi bổ sung. Những chính sách nào còn thiếu thì phải đề xuất với Trung Ương để xây dựng mới. Sở phải lắng nghe và tạo cơ chế 2 chiều, và phải thường xuyên phải gặp gỡ để lắng nghe.
Những chương trình mục tiêu thì cần phải soạn thảo ra và hỏi trực tiếp những người thực hiện, là những doanh nghiệp, họ là những người đưa các chính sách vào cuộc sống. Cho nên cần phải hỏi DN có phù hợp không, có đáp ứng được nguyện vọng của DN không”.
Phó Chủ tịch Hà Nội chia sẻ có doanh nghiệp luôn trăn trở về việc họ có thể đi làm cho Đà Nẵng, cho TPHCM nhưng không thể nào “về” được với Hà Nội.
Tôi là người con của Hà Nội, tôi đi đóng góp cho các tỉnh thành khác được nhưng sao về Hà Nội thì tôi không về được là sao?
Theo ông Sơn, con người Hà Nội và Đà Nẵng, TPHCM đâu có khác nhau nhưng do cơ chế và tư duy đã khiến Hà Nội còn thua xa các tỉnh này.
Ông Sơn quyết liệt yêu cầu Hà Nội nhanh chóng phải thay đổi, phải xây dựng thành công dân điện tử. Đây là tiền đề của một xã hội văn minh.
Theo Dân Trí.
Bình luận