Những máy tính giản đơn được hi vọng sẽ đổi đời cho người dân các nước đang phát triển và giảm bớt chênh lệch công nghệ. Đó là một ý tưởng không hề điên rồ. Dự án máy tính giá rẻ (chỉ khoảng 12 USD) vừa được giới thiệu tại hội nghị thượng đỉnh phát triển kiểu dáng quốc tế do Viện công nghệ Massachusetts (MIT) tổ chức tuần qua. Chủ xị của ý tưởng này cũng là một cựu sinh viên Viện MIT.
Ý tưởng từ Ấn Độ
Derek Lomas, kỹ sư người Mỹ 27 tuổi, đã nảy ra ý tưởng về loại máy tính giá bèo khi đi làm việc ở Ấn Độ. Khi lang thang trên đường phố Bangalore - thủ phủ công nghệ thông tin của Ấn Độ, anh phát hiện cách người dân nối những bảng điều khiển trò chơi game (console) vào tivi và thoải mái "chiến đấu" với một bàn phím giá rẻ.
Lomas phát hiện đấy là loại bảng điều khiển Victor-70 với bộ vi xử lý 8 bit và bộ nhớ video 2K, thể hiện được hình ảnh chất lượng 256 x 240 pixel. Thật ra Victor-70 là hàng nhái theo loại NES, sản phẩm Nintendo lừng danh của Nhật từng bán đến 62 triệu sản phẩm trên toàn thế giới, nhưng Victor được cải tiến ở chỗ bàn phím tích hợp luôn cả bộ vi xử lý, bộ nhớ và các thành phần khác. Điều đó giúp Lomas hình dung một máy tính kiểu sơ khai nhưng có khả năng chạy với phần mềm văn phòng hoặc trang web bất kỳ nào.
Ý tưởng của Lomas không hẳn giống với chương trình đang được thực hiện "Mỗi trẻ em một máy tính (OLPC)" vì chương trình này nhằm làm ra loại máy tính khá hiện đại với sự hỗ trợ của các hãng máy tính lớn trên thế giới. OLPC không phát triển thành công lắm vì giá cả cuối cùng lên đến 188 USD, gần gấp đôi so với mức ban đầu dự kiến là 100 USD. Máy tính của Lomas đơn giản hơn nhiều: giúp người sử dụng tiếp cận với thông tin qua Internet và chức năng cũng đơn giản như một máy đánh chữ. Hình mẫu cho nó có thể là loại máy tính "cổ lỗ" Apple II ra đời cách nay hai thập niên, nhưng nay được ghép thêm những phần mềm miễn phí vốn đã trở thành "đồ phải có” trong tin học. Derek Lomas giải thích: "Chúng tôi nghĩ đó sẽ là kiểu máy tính có thể làm cải thiện cơ hội phát triển kinh tế cho dân chúng các nước đang phát triển. Biết gõ trên bàn phím cũng có thể giúp người kiếm được 1 USD/ ngày hi vọng kiếm được 1 USD/ giờ".
Ý tưởng hấp dẫn
Không ít quốc gia chú ý đến dự án của Lomas. Chẳng hạn Chính phủ Ấn Độ gần đây đã tham gia chương trình phát triển máy tính giá 100 USD vì cho rằng người dân sẽ tạo ra được giá trị lao động cao hơn khi tiếp cận nhiều hơn với tin học. Lomas khẳng định một tổ chức phi lợi nhuận ở Ấn Độ đang tham gia dự án máy tính 12 USD của anh. Thậm chí các quốc gia phát triển cũng có thể tìm thấy tính hữu dụng trong ý tưởng của Lomas, vì sử dụng tivi như một màn hình vi tính, kết hợp với một thiết bị giản đơn (cũng rẻ tiền) để tiếp cận thế giới tin học sẽ giúp tăng số người tham gia mạng.
Một nhóm sáu kỹ sư cùng chuyên gia vẽ kiểu dáng đến từ Mỹ và các nước đang phát triển đã làm việc cật lực trong bốn tuần để phác thảo những hình ảnh đầu tiên sản phẩm của mình.
Nay họ đang bắt tay vào viết chương trình giúp loại máy tính giản đơn nối được Internet thông qua điện thoại di động. Họ thậm chí còn tính đến khả năng tăng bộ nhớ để người sử dụng có thể viết và lưu được chương trình phần mềm của riêng mình vào loại máy tính giá bèo.
Jesse Austin-Breneman - kỹ sư 25 tuổi từng tốt nghiệp Viện MIT, thành viên của nhóm - cho rằng loại máy tính của nhóm anh cần được nhìn trong chiều hướng tích cực như một công cụ học tập: "Chúng sẽ giúp trẻ em sớm tiếp cận bàn phím, cách gõ chữ và rê chuột".
Nhưng cũng có một số chuyên gia cho rằng xét theo kinh nghiệm từ chương trình OLPC, máy tính của nhóm Lomas chắc sẽ chào hàng ở giá... 50 USD.
NGUYỄN QUÂN
(Theo Tuổii trẻ/Boston Herald, NBC News, Reuters)
Bình luận