Trong khi Microsoft khiến người dùng thất vọng vì Windows 8 không đáng để nâng cấp, cho chiến binh chủ lực Windows XP về vườn, Windows 10 vẫn chưa thể đáp xuống thị trường, thì Google đã kịp tăng tốc cho Chrome OS trong nỗ lực đem lại làn gió mới cho thị trường PC. Thời gian gần đây chúng ta đang thấy Chrome OS liên tục được cải tiến. Máy tính sử dụng Chrome OS thay vì chỉ hoạt động khi có kết nối Intenet giờ đây đã chạy được cả trong chế độ offline. Ứng dụng ngày càng phong phú, thêm nữa Google đang nỗ lực để đưa các ứng dụng Android lên nền tảng Chrome OS. Về phần cứng, Chrome OS hỗ trợ cả bộ xử lí của Intel chứ không chỉ riêng kiến trúc ARM.

Những chiếc máy tính dựa trên hệ điều hành đám mây của Google có giá rẻ đã trở nên mạnh mẽ hơn, thiết kế đa dạng hơn đang tỏ ra hứa hẹn sẽ trở nên phổ biến trong thời gian tới.

Loạt sản phẩm mới trình làng

Mở đầu tháng 4, một loạt tin tốt đến từ phía chiến tuyến Chrome OS. Máy tính xách tay Chromebookvốn có ưu thế giá rẻ so với laptop Windows thì nay còn rẻ hơn nữa. Chromebook tập trung nhiều trong khoảng giá 200 – 300 USD, nhưng bộ đôi Chromebook mới của Haier và Hisense có giá thậm chí chỉ 149 USD. Cả hai đều trang bị màn hình 11,6 inch và có thời gian sử dụng pin cả ngày (8 giờ với Hisense và 10 giờ với Haier Chromebook), đều nhẹ (khoảng 1,2 kg) tiện cho sử dụng di động.

Theo trào lưu thiết bị có thể chuyển đổi từ máy tính xách tay sang chế độ sử dụng như máy tính bảng, Google cũng đã ra mắt mẫu máy Asus Chromebook Flip màn hình cảm ứng, có cơ chế lật màn hình 360 độ, cho phép người dùng sử dụng máy như laptop hay tablet đều phù hợp. Đáng chú ý là máy có giá 249 USD, nhưng có thiết kế đẹp cùng với vỏ ngoài làm bằng kim loại đem lại cảm giác cao cấp.

Asus cũng là hãng sẽ sản xuất chiếc máy tính tí hon Chromebit mới được Google giới thiệu, sẵn sàng cạnh tranh với các mẫu máy tính tí hon khác như Compute Stick của Intel. Chromebit tiện dùng mọi lúc mọi nơi, và thực sự là chiếc PC để bàn khi được cắm vào một màn hình lớn qua cổng HDMI với sự hỗ trợ của bàn phím và chuột không dây.

Acer, một hãng sản xuất Đài Loan khác, thì ra mắt chiếc Chromebase All-in-One đầu tiên tích hợp màn hình cảm ứng. Mẫu máy của Acer sử dụng màn hình Full HD 21,5 inch, bộ xử lí NVIDIA Tegra K1 bốn nhân, hỗ trợ nhiều kết nối thông dụng như USB, HDMI, Wi-Fi, Bluetooth. Chromebase của Acer trang bị màn hình cảm ứng thích hợp cho những nơi công cộng để tra cứu thông tin. Máy All-in-One có thiết kế gọn, bố trí trong văn phòng không tốn diện tích.

Chrome OS tới thời tỏa sáng?

Hiện tại, khó có thể biết chắc liệu Chrome OS có thể đánh đổ Windows để trở thành nền tảng phổ biến nhất trong thế giới PC hay không. Tuy nhiên, thói quen người dùng đang thay đổi cùng với sự phổ biến của công nghệ điện toán đám mây. Và dường như Chrome OS đang là một hướng đi đúng của Google, đáp ứng nhu cầu của rất nhiều người dùng máy tính hiện nay dành phần lớn thời gian sử dụng máy để lướt web và thực hiện các tác vụ lấy web làm trung tâm. Đó có thể là xem tin tức trên web, truy cậpmạng xã hội, dùng webmail, soạn tài liệu trực tuyến, đều là “sở trường” của Chrome OS.

Trong khi đó, máy tính sử dụng Chrome OS đã có thể chạy offline chứ không nhất thiết phụ thuộc kết nối Internet. Ứng dụng Chrome OS có thể chạy offline ngày càng nhiều, như: Gmail, Google Docs, calculator, calendar, một số game, và thậm chí cả Google Play Movies. Danh sách ứng dụng “offline” ngày càng dài ra trên kho ứng dụng trực tuyến Chrome Web Store của Google.

Ứng dụng cho Chrome OS ngày càng phong phú, và điều thuận lợi là nhiều ứng dụng được cài sẵn trên máy tính trước đây giờ đã có ứng dụng trực tuyến tương đương đủ để thay thế. Thư điện tử thì webmail đã trở thành thông dụng, Outlook.com của Microsoft hoặc Gmail của Google không có gì để chê trách. Bộ ứng dụng văn phòng Microsoft Office từng được xem là không thể thiếu trên nhiều máy tính, thì nay đã có thể thay bằng bộ Microsoft Office Online hoặc Google Docs của Google. Adobe Photoshop cũng có phương án thay thế bằng bộ phần mềm dựa trên Web như Pixlr đủ để bạn hài lòng với việc chỉnh sửa ảnh. Bản thân Photoshop cũng đã chạy trên Chrome OS, và nhận hình ảnh xử lí từ máy chủ của Adobe. (Tính năng này mới chỉ được áp dụng cho khách hàng giáo dục ở Mỹ sử dụng dịch vụ Creative Cloud của Adobe).

Ngoại trừ các phần mềm chuyên dụng, nói chung máy tính chạy Chrome OS tạm đủ để đáp ứng các công việc thường dùng hàng ngày, dù có thể không nhiều tính năng như các ứng dụng được phát triển cho Windows. Nhưng ngay cả điều đó cũng có thể giải quyết bằng phương án sử dụng công cụ Chrome Remote Desktop để truy cập vào một PC truyền thống từ Chromebook và làm việc từ xa. Với công cụ này, có thể phiên làm việc không được như ý vì phụ thuộc vào băng thông của mạng, nhưng nó giúp người dùng chạy từ xa các phần mềm cài sẵn trên một máy tính.

Chrome OS được Google thiết kế nhắm vào chạy các ứng dụng web thay vì các ứng dụng cài sẵn trên máy, giúp giảm giá thiết bị và loại bỏ một số phiền phức mà người dùng PC truyền thống thường gặp phải. Tốc độ khởi động nhanh là điều thấy rõ, nhưng Chrome OS còn giải quyết được rất nhiều điều phiền phức đối với môi trường điện toán truyền thống, như: các thủ tục thiết lập và cài đặt rườm rà; nâng cấp hệ điều hành rắc rối và tốn thời gian; cần phải tự cập nhật các ứng dụng theo thời gian; nhiều khả năng bị lây nhiễm mã độc, phải sử dụng phần mềm phòng chống; sự phụ thuộc vào trình điều khiển (drive) phức tạp; và máy không thể tránh khỏi bị chạy chậm dần sau một thời gian sử dụng.

Dễ dàng và đơn giản, Chrome OS giải thoát người dùng những rắc rối trên máy tính với đủ loại phần cứng và phần mềm cần quan tâm và quản lí. Với cơ chế đồng bộ của Google, khi sử dụng bất kìChromebook nào người dùng cũng có được môi trường đồng nhất ngay sau khi đăng nhập. Mọi dữ liệu, các thiết lập, mở rộng, và các ứng dụng của người dùng sẽ được đồng bộ ngay lập tức và liên tục trên tất cả các máy sử dụng, do đó người dùng không hề bị ràng buộc vào bất kì một thiết bị nào.

Với tất cả những lợi thế đó, Chrome OS hứa hẹn có thể là một thay thế hợp lí cho môi trường PC truyền thống.

Theo PC World VN.




Bình luận

  • TTCN (0)