Thiết kế: Cuộc chiến thay đổi
5 tháng đầu 2015, Samsung Galaxy S6, S6 Edge và Mi Note Pro là những smartphone nhiều cải tiến nhất. Trong khi đó, HTC One M9, LG G4, Xperia Z4 và Huawei P8 chỉ là bản nâng cấp nhỏ từ model tiền nhiệm. Dường như, các hãng điện thoại đang đi vào lối mòn của thiết kế, HTC trung thành với unibody, Sony dùng OmniBalance.
Theo các nhà phân tích, thị trường smartphone cạnh tranh mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Thế giới phẳng và toàn cầu hóa khiến ngay cả những đối thủ trực tiếp cũng phải bắt tay hợp tác trong cuộc chiến di động.
Để quản lí mạng lưới chuỗi cung ứng, vật liệu, các nhà sản xuất điện thoại thông minh mất từ 9 đến 12 tháng để ra sản phẩm mới. Họ bắt đầu từ khâu lập kế hoạch, thiết kế, thử nghiệm, marketing đến sản xuất.
Thiết kế sản phẩm là một trong ba yếu tố tạo nên thành công. Theo đó, các hãng sản xuất tập trung vào khía cạnh này cùng bản sắc của thương hiệu và cấu hình phần cứng.
Trở lại những năm 2000, hãy nhìn những gì Nokia làm với các sản phẩm của họ. Thay vì xây dựng thiết kế mang tính biểu tượng và điều chỉnh chu trình giới thiệu sản phẩm mới. Nokia giới thiệu các dòng sản phẩm tràn lan, không kế hoạch. Sản phẩm đẹp, lạ thậm chí là kì quặc nhưng không hữu dụng cho người dùng.
Hiện tại, Galaxy S6 và S6 Edge là cuộc trở mình ngoạn mục của Samsung. Nhưng không có nghĩa Sony hay HTC thay đổi ngôn ngữ thiết kế của họ sẽ giúp gia tăng doanh số.
Màn hình: Cuộc chiến 2K
Ba trong số 6 siêu phẩm nửa đầu 2015 có màn hình QHD với độ phân giải 1.440p. Điều này tạo ra cuộc tranh luận: Liệu màn hình QHD, 2K, 4K có cần thiết cho smartphone? Sony, Huawei và HTC cho rằng, đây là điều chưa cần thiết với lập luận nó không có ý nghĩa với màn hình nhỏ của smartphone.
Trong khi đó, Samsung và LG vẫn quyết định mang màn hình QHD và 2K lên những thiết bị của họ. Thế giới bất ngờ với màn hình OLED cong của chiếc Galaxy S6 Edge. Tuy nhiên S6 vẫn bị lỗi ám xanh khi xoay. Còn LG dành thời gian và tiền bạc để cải tiến công nghệ màn hình LCD IPS.
Trải nghiệm người dùng
Giao diện của Android vẫn nối tiếp xu hướng đơn giản và trực quan của ngôn ngữ Material Design. Cùng với đó, các hãng sản xuất cũng chú trọng hơn vào trải nghiệm.
Giao diện TouchWiz mới trên Galaxy S6 và S6 Edge được tinh giản nhất có thể. LG UX 4.0 trên G4 nối tiếp G3. Trong khi đó, Sense 7 trên HTC One M9 là điểm nhấn của sản phẩm.
Phần cứng: Samsung không đối thủ
Galaxy S6 được trang bị chip 14 nm, SoC Exynos 7420 64-bit với 8 nhân, RAM 3 GB. Các thử nghiệm benchmark cho thấy, con chip “cây nhà lá vườn” của Samsung vượt xa Snapdragon 810.
Trên những sản phẩm tiền nhiệm, Samsung thường sử dụng Snapdragon. Nhưng với nhược điểm quá nóng khi chạy thử nghiệm, hãng quyết định chạy Exynos do chính mình phát triển.
Camera
Galaxy S6 một lần nữa vượt đối thủ nhờ ống kính khẩu độ lớn và bổ sung tính năng chống rung quang học. Máy được trang bị máy ảnh chính 16 Mpx, khẩu độ f/1.9.
G4 có camera với cảm biến 16 Mpx, khẩu độ f/1.8 cùng đèn flash LED kép. Khẩu f/1.8 giúp camera chụp ảnh tốt hơn trong điều kiện thiếu sáng. Đây là chiếc smartphone cao cấp có ống kính góc rộng nhất hiện tại, hơn khẩu độ f/1.9 trên Galaxy S6.
Với sự hỗ trợ của cảm biến laser, G4 có thể lấy nét trong vòng 0,276 giây. Camera trên LG G4 cho phép chụp ảnh với chế độ tự động và thủ công. Ở chế độ chỉnh tay, người dùng có thể tùy chọn các thông số như ISO, tốc độ màn trập, cân bằng trắng, lưu ảnh định dạng RAW.
One M9 được HTC làm mới khá nhiều về máy ảnh: Máy ảnh UltraPixel thay bằng camera thường độ phân giải 20 megapixel, camera phụ mặt sau đã được loại bỏ. Trong khi đó, máy ảnh trước chuyển sang UltraPixel để mang lại khả năng tiếp nhận ánh sáng tốt hơn.
Camera trên Xperia Z4, Huawei P8 và Mi Note Pro khá mờ nhạt khi so sánh với những thiết bị trên. Đặc biệt, dù thu khá nhiều lợi nhuận trong việc bán cảm biến camera cho Apple và Samsung, nhưng máy ảnh của Xperia từ Z1 đến Z4 vẫn dậm chân tại chỗ.
Theo Zing.
Bình luận