Apple hiện đang là thương hiệu đắt giá nhất thế giới với tổng giá trị lên tới 70 tỉ USD, doanh số bán hàng của hãng cũng tăng lên từng ngày từng giờ và “Táo khuyết” được cho là hãng công nghệ số một hành tinh vòa thời điểm hiện tại.

Điều làm nên thương hiệu Apple là sự tiên phong trong mọi lĩnh vực. Hồi năm 2007 khi iPhone 3G ra đời, nó đã làm thay đổi những khái niệm về cảm ứng đa điểm. Đến iPhone 3G, 3GS rồi iPhone 4,4S, hệ điều hành của “Táo khuyết” thay đổi dần và mang tới những tín hiệu tích cực.

iOS 5 xuất hiện và ngay lập tức gây ấn tượng với “cô nàng” trợ lí ảo Siri. Người dùng iPhone 4S đã bắt đầu làm quen với việc điều khiển chiếc điện thoại của mình bằng giọng nói. Thậm chí, Apple hứa hẹn sẽ thêm thắt khả năng chỉ đường, đặt vé xem phim hay vé tại các nhà hàng cho người dùng qua Siri.

Thế hệ kế tiếp sau đó, IOS 6 chỉ được cho là một bản nâng cấp nhẹ dành cho Siri, ứng dụng Maps, ứng dụng Facetime qua 3G, 4G. Ngoài ra, ứng dụng Passbook mặc dù không khả thi ở Việt Nam nhưng gây được sự chú ý lớn với khả năng lưu trữ hành trình mua vé máy bay, vé xem phim hay thẻ mua hàng …

Một năm sau đó, iOS 7 ra mắt và “đại tu” toàn bộ giao diện của iPhone. Ngoài ra, hệ điều hành cũng khiến cho chiếc iPhone trở nên “thông minh” và hoạt động trơn tru hơn. iPhone 5S được hưởng lợi rất nhiều từ sự hoàn hảo của iOS 7 để trở thành điện thoại bán chạy nhất từ Apple.

Cùng với sự thay đổi toàn diện về thiết kế iPhone 6/6 plus, hệ điều hành iOS 8 cũng ra đời với khả năng hoạt động được cho là trơn tru hơn so với người tiền nhiệm. Các tính năng mới được thêm vào như tin nhắn thoại iMessage, bảng thông báo mới và phát triển Spotlight …

Tuy nhiên, đây cũng là hệ điều hành nhận được rất nhiều sự “ném đá” của dư luận không chỉ bởi một số lỗi mà nó mắc phải như: lỗi wifi, 3G, lỗi thanh thông báo, lỗi ứng dụng …. Mà còn bởi vì những tính năng được cho là vay mượn rất nhiều từ Android.

Cụ thể, ứng dụng Spotlight mà Apple tập trung phát triển đã có thể cho ra những kết quả từ Internet. Đây là điều mà chức năng tìm kiếm của Android đã làm được từ lâu.

Bên cạnh đó, QuickType là chức năng dự đoán từ cần gõ mới được Apple bổ sung vào bàn phím QWERTY của iOS 8. Tuy nhiên, người dùng Android và BlackBerry đã không còn quá lạ lẫm với kiểu soạn văn bản này.

Cũng từ đây, những dự cảm về sự “cạn kiệt” ý tưởng của Apple bắt đầu manh nha trong cộng đồng mạng. “Táo khuyết” đang dần trở thành kẻ chạy theo xu thế từ thiết kế (điện thoại siêu mỏng) cho đến các phần mềm bên trong (vay mượn từ các hệ điều hành khác).

Và đến năm 2015, một lần nữa, có vẻ như hãng công nghệ số một thế giới lại mắc phải lỗi tương tự với iOS 9 vừa ra mắt. Tính năng đáng chú ý nhất là chia đôi màn hình đa nhiệm của họ ngay lập tức thể hiện sự đồng điệu đến kì lạ với các thiết bị chạy Android như Galaxy S6, Note 3, LG G3, G4. Thậm chí, một số sản phẩm dòng Galaxy có thể chia màn hình làm bốn.

Ngoài ra, còn phải nhắc đến ứng dụng Spotlight - ứng dụng mà Apple đã tập trung phát triển từ vài năm trước. Nó có vẻ giống như những gì Google Now làm được khi họ có thể chỉ đường đến địa chỉ nổi bật từ rất lâu rồi.

Cuối cùng, các ứng dụng như Siri, chế độ tiết kiệm pin mới, News hay các kiểu gõ bàn phím đều không phải là sáng chế của Apple và rất giống với những hãng công nghệ khác đã làm trước đó.

Tất nhiên, không thể trách “Táo khuyết” khi họ không thể giữ được vị trí tiên phong của mình trong việc tạo ra những công nghệ mới, ứng dụng mới. Và trong tương lai, có lẽ Apple sẽ không cần giữ phương châm này mà chuyển thành không nhanh nhất, nhưng sẽ tốt hơn cả.

Theo VTC.




Bình luận

  • TTCN (0)