Người ta gọi đó là phần mềm rác – những thứ mà nhà sản xuất (hoặc nhà mạng) cho là cần thiết nhưng với bạn lại không phải như vậy. Phần mềm rác có khá nhiều tên gọi, như crapware, bloatware hoặc junkware, thường được cài sẵn cùng với hệ điều hành theo máy. Tùy theo quan điểm từng người dùng, chúng có ích hay không có ích. Đôi khi, bloatware chỉ là những phần mềm dùng thử hoặc ở dạng demo, nếu bạn muốn mua bản full hoặc pro thì sẽ phải bỏ tiền ra. Có một điều chắc chắn là bloatware sẽ khiến thiết bị của bạn chạy chậm và đôi khi gây mất an toàn.

Trước đây, khi PC (nhất là máy tính nguyên bộ) chạy chậm, người ta thường đổ lỗi cho hệ điều hành Windows mà không biết rằng bên thứ ba đã cài rất nhiều phần mềm vớ vẩn vào đó. Chúng chính là nguyên nhân khiến chiếc máy tính chạy chậm như … rùa bò. Đối phó với tình trạng này, Microsoft đã phát hành công cụ Chữ kí (Signature) để đảm bảo PC Windows chạy trơn tru không bị cài cắm quá nhiều phần mềm không cần thiết vào đó.

Nếu đem câu hỏi thắc mắc tới nhà sản xuất họ sẽ trả lời bạn rằng việc cài đặt hàng loạt phần mềm vào máy sẽ giúp mang lại cho bạn nhiều giá trị hơn. Tất cả chỉ là ngụy biện. Họ được trả tiền để làm như vậy. Ai trả? Chính là những công ty, tổ chức làm ra phần mềm đó. Trừ khi đó là Apple thì mới không có chuyện trả tiền để cài đặt phần mềm của họ lên điện thoại hay máy tính bảng.

Cái bực mình nhất của phần mềm cài sẵn là chúng rất khó tháo gỡ. Việc tháo những phần mềm cài sẵn trong Windows PC đã khó thì với điện thoại hoặc tablet Android lại càng khó hơn – đôi khi là không thể (nếu bạn không root thiết bị).

Với PC, bạn có thể dùng PC Decrapifier hoặc Ccleaner để làm sạch hệ thống nhưng rõ ràng những công cụ này còn lâu mới hoàn hảo. Phần mềm rác ngày càng thông minh hơn và việc tháo gỡ chúng cũng khó khăn hơn, kể cả với những phần mềm được thiết kế cho công việc này. Với PC Windows, bạn có thể thử liệu pháp mạnh tay đó là cài lại hệ điều hành Windows theo cách format lại toàn bộ phân vùng ổ cứng cài đặt Windows.

Với thiết bị Android, như đã nói ở trên, chỉ có duy nhất một cách là root thì mới tháo gỡ được các phần mềm bloatware cài sẵn. Còn nếu bạn cảm thấy quá ức chế bởi bloatware thì chuyển sang dùng đồ của Apple. iPhone hoặc iPad sẽ không có tình trạng này. Nếu có phần mềm nào được cài đặt sẵn thì đó đều là những thứ rất hữu ích cho người dùng.

Về chuyện root máy đề cập ở trên, nhiều người sẽ thắc mắc root là gì, tại sao phải root, và root thì máy có vấn đề gì không? Nói một cách nôm na thì root máy chính là việc bạn giành lại quyền quản trị cao nhất của thiết bị để làm những gì mình muốn, chẳng hạn như chỉnh sửa chuyên sâu hoặc đơn giản là tháo cài đặt các phần mềm mà bên thứ ba cài sẵn vào. Sau khi root, bạn sẽ có thể can thiệp sâu vào hệ thống, chỉnh sửa các tệp tin trong hệ thống, cài đặt thêm các phần hay (mà chỉ có root máy mới cài được), hoặc cài room cook tùy biến để thỏa chí vọc vạch.

Tuy nhiên, root máy không có nghĩa bạn sẽ không đối mặt với nguy cơ nào. Trước tiên chính là việc bảo hành. Nhiều hãng sản xuất và phân phối hiện nay không chấp nhận bảo hành đối với thiết bị đã bị root. Theo quy định của họ, root được xếp vào nhóm hành vi gây họa có thể khiến cho hệ thống bị lỗi. Chính vì vậy khi root, bạn sẽ phải chịu trách nhiệm về việc làm của mình.

Ngoài ra, nếu máy bị root thì nó cũng không nhận được cập nhật hệ thống tự động (OTA), tuy nhiên việc này không quá quan trọng. Với các công cụ sẵn có hiện nay, bạn hoàn toàn có thể biến một thiết bị di động đã root trở về trạng thái nguyên thủy ban đầu để mang đi bảo hành hoặc cập nhật qua OTA.

Nguy cơ tiếp theo của root chính là thiết bị có khả năng sẽ hoạt động không ổn định, và có thể biến thành "cục chặn giấy" – tuy khó xảy ra nhưng không có việc gì là không thể. Ngoài ra, khi root, bạn sẽ có quyền quản trị cao nhất, nếu lỡ cài đặt phần mềm độc hại trên máy thì sẽ rất mất an toàn.

Theo Vnmedia.



Bình luận

  • TTCN (0)