Lâu nay, tóc vẫn được cho là cấu tạo gồm 3 lớp: lớp lõi (medulla) ở trung tâm của sợi tóc; lớp giữa (cortex) chiếm thể tích lớn nhất của sợi tóc và chứa chất sắc tố; và lớp biểu bì (cuticle) ở ngoài cùng.
Tuy nhiên, các nhà khoa học sử dụng biện pháp chụp X-quang để nghiên cứu tóc, đã phát hiện lớp trung gian mới ở một mặt cắt ngang của sợi tóc, giữa lớp biểu bì và lớp giữa. Nhóm nghiên cứu cũng khám phá ra rằng, lớp mới này dường như cấu tạo từ một dạng protein khác biệt so với những phần khác của thân tóc và dạng protein này thường được tìm thấy phổ biến hơn ở vảy bò sát và lông chim.
Những phát hiện trên có thể làm thay đổi căn bản cách cách nhà khoa học nhìn nhận cấu trúc của tóc người.
Tiến sĩ Vesna Stanic đến từ Trung tâm nguồn sáng synchrotron Brazil cho biết, các sợi keratin ở lớp mới dường như khác biệt phần còn lại của sợi tóc.
Trước nghiên cứu của tiến sĩ Stanic và các cộng sự, tóc người từng được cho là có cấu tạo chỉ bao gồm một loại protein dạng sợi có tên alpha keratin cũng như một số khoáng chất và lipid nhất định. Do đó, nhóm của bà Stanic vô cùng kinh ngạc khi phát hiện sự thiếu vắng một đặc điểm nhiễu xạ then chốt của alpha keratin ở khu vực giữa lớp biểu bì và lớp giữa của một sợi tóc. Dạng nhiễu xạ thu được, thay vào đó, lại tương ứng với beta keratin.
Beta keratin là loại protein dạng sợi, được sắp xếp thành các mảng hoặc bó, thường được tìm thấy trong lông và mỏ chim cũng như móng vuốt và vảy của các loài bò sát. Các chuyên gia nhận định, tương tự như ở động vật, beta keratin trong tóc người cũng có thể giữa vai trò cấu trúc, làm tăng sức mạnh của sợi tóc.
Nếu nhận định này là đúng, nó có thể cung cấp thông tin hữu ích giúp các nhà khoa học phát triển các dòng mĩ phẩm chăm sóc tóc mới, hiệu quả hơn.
Theo VietNamNet.
Bình luận