Thương hiệu điện thoại di động cho người Việt là mong muốn của nhiều người.

Ít ai biết được thương hiệu mobile Việt đầu tiên là Vfone do Maseco tạo dựng. Nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau mà có lẽ quan trọng nhất là yếu tố thị trường, hiện nay thương hiệu này dường như không còn tồn tại trên thị trường nữa.

Thương hiệu ĐTDĐ cho người Việt là mong muốn của nhiều người tiêu dùng trong nước. Các đơn vị kinh doanh cũng hiểu rõ điều đó sẽ mở ra một hướng đi tốt trong môi trường cạnh tranh khốc liệt như hiện nay. Tuy nhiên, giữa việc nhìn ra và thực hiện lại là cả một quãng đường dài. Hãy cùng nhìn lại những gì mobile Việt đã làm trong thời gian qua.

Mobile Việt - ngày càng nhiều thương hiệu

Sự cạnh tranh quá khốc liệt trong thị trường kinh doanh điện thoại di động đã khiến cho các doanh nghiệp tham gia trên thị trường có những chọn lựa khác nhau để thay đổi tình hình kinh doanh. Xu hướng làm riêng cho mình một thương hiệu điện thoại di động là xu hướng được nhiều đơn vị kinh doanh chọn lựa.

Tỉ suất lợi nhuận trong việc kinh doanh một thương hiệu ĐTDĐ riêng biệt cao hơn hẳn với việc bán hàng cho các hãng Nokia, Motorola, Samsung, Sony Ericsson, LG... Đó chính là ưu điểm nổi bật của việc phát triển thương hiệu điện thoại di động riêng.

Ngoài ra, các đơn vị kinh doanh ĐTDĐ theo thương hiệu riêng của mình lấy điểm mạnh là đa tính năng, giá rẻ, họ hi vọng rằng sẽ giành được một miếng bánh giá trị trên thị trường mobile. Điều này có vẻ hợp lý khi mà xu hướng của thị trường đang tăng trưởng ở phân khúc khách hàng thu nhập thấp.

Mobile Việt - ngày càng nhiều

Ít ai biết được thương hiệu mobile Việt đầu tiên là Vfone do Maseco tạo dựng. Nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau mà có lẽ quan trọng nhất là yếu tố thị trường, hiện nay thương hiệu này dường như không còn tồn tại trên thị trường nữa.

Ảnh
Các doanh nghiệp đã định hình được con đường xây dựng thương hiệu cho mobile Việt

Trong vòng vài năm trở lại đây, với nhiều người, kể cả những người đang hoạt động trong ngành ĐTDĐ Việt Nam đều vẫn cho rằng các thương hiệu: Wellcom, Mobell, Vcall, E-touch, Malata, Connspeed, Bavapen, Q-Mobile, HQ... tất cả đều là thương hiệu mobile của người Việt.

Nhưng thực chất thì chỉ có các thương hiệu như: Bavapen, Connspeed, Q-mobile mới đúng do người Việt tạo dựng và phát triển. Các cái tên còn lại như Wellcom, E-touch, Malata... là thương hiệu nước ngoài và có mặt tại Việt Nam sau khi đã xuất hiện tại các quốc gia khác.

Bên cạnh việc số lượng thương hiệu điện thoại ngày càng nhiều hơn, các doanh nghiệp này cũng dần thể hiện sự thay đổi trong quan điểm định hình thương hiệu. Nếu như lúc đầu đa phần các thương hiệu đều muốn tạo một cái mác "ngoại" thì nay họ lại có khuynh hướng Việt hóa thương hiệu.

Bằng chứng là nhiều doanh nghiệp đang quảng bá những thông điệp kiểu như: Thương hiệu ĐTDĐ Việt đầu tiên chính thức công bố hay thương hiệu ĐTDĐ chuẩn hóa cho người Việt. Có thể đây là một động thái khẳng định sự tự tin đối với các dòng sản phẩm mà các doanh nghiệp đang hướng đến cho một đối tượng khách hàng nhất định trong nước.

Bên cạnh việc số lượng thương hiệu điện thoại ngày càng nhiều hơn, các doanh nghiệp này cũng dần thể hiện sự thay đổi trong quan điểm định hình thương hiệu

Nhưng thực trạng là…

Sự thay đổi dù tích cực trong quan điểm của các doanh nghiệp không thôi vẫn chưa đủ để thể thay đổi được “định kiến” của khách hàng. Cụ thể là khách hàng vẫn quen dùng cụm từ “điện thoại Trung Quốc” khi nói đến nhóm sản phẩm này. Không quá khó để có thể lí giải được điều này.

Thứ nhất, quá trình xây dựng thương hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa đủ độ chín và chưa đủ mạnh để tạo ra sự khác biệt cho thương hiệu của mình so với các thương hiệu “mobile Việt quốc nội” khác, chứ chưa dám nói đến việc “bằng vai phải lứa” với các hãng mobile danh tiếng thế giới.

Chính vì chưa tạo ra được sự khác biệt đó nên khách hàng thấy rằng nhóm thương hiệu này cứ “na ná nhau”. Và bằng chứng là ngay cả giới kinh doanh ĐTDĐ Việt Nam cũng khó phân biệt được rõ ràng thương hiệu nào thực sự của người Việt.

Thứ hai, hiện Việt Nam chưa có các đơn vị gia công ĐTDĐ do dây chuyền sản xuất đòi hỏi phải có một nguồn vốn đầu tư lớn. Tuy nhiên, ngay cả khi đã có dây chuyền rồi, nếu không sản xuất số lượng lớn thì chi phí giá thành cũng rất cao.

Trong khi đó, các nhà máy gia công tại Trung Quốc, Đài Loan… đang gia công cho khá nhiều hãng điện thoại nên lợi thế về số lượng sản xuất lớn. Do vậy, nếu các đơn vị Việt Nam đặt hàng tại các nhà máy sản xuất này sẽ giảm được chi phí sản xuất.

Việc thuê gia công một cách tiện lợi như trên mặc dù có ưu điểm là ít tốn kém hơn, nhưng một hệ quả đi kèm của việc này là các sản phẩm làm ra đa phần chỉ dựa trên các mẫu mã do chính phía sản xuất đề nghị.

Chính vì thế, nó làm cho các sản phẩm mobile thương hiệu Việt đều “na ná” giống nhau và giống với các dòng sản phẩm mà người ta vẫn quen gọi là “ĐTDĐ Trung Quốc” trên thị trường. Giống đến nỗi, nhiều lúc, các model ĐTDĐ mang thương hiệu Việt với ĐTDĐ “made in China” tựa như cặp song sinh khiến không ít khách hàng thắc mắc.

Đây chính là điều khiến khách hàng chưa thể xóa bỏ những định kiến vốn đã ăn sâu để rồi từ đó họ khó có thể đánh giá cao các sản phẩm mang thương hiệu Việt.

Những nỗ lực được ghi nhận

Hơn ai hết, chính các đơn vị kinh doanh Việt là người nắm được rõ nhất thực trạng cũng như tâm lý của người tiêu dùng. Mặc dù thực trạng đó cũng có những nguyên nhân khách quan, nhưng không thể phủ nhận các doanh nghiệp vẫn đang tìm cách để khắc phục và nỗ lực khẳng định mình.

Với mong muốn tạo ra những chiếc mobile mang đậm dấu ấn Việt, ABTel đã tích hợp một số nội dung như hình ảnh Việt Nam vào các model điện thoại di động của mình. Model Z23 của Q-Mobile có hẳn một bộ sưu tập hình ảnh về Việt Nam như: vịnh Hạ Long, động Phong Nha, nhà thờ Đức Bà… Theo đơn vị này, sắp tới họ sẽ còn đầu tư cho sản phẩm nhiều hơn khi tích hợp thêm một số công nghệ mới nhằm nâng cao tầm sản phẩm.

Thành Công Mobile cũng đang rất nỗ lực cho sản phẩm Bavapen của mình bằng cách mạo hiểm phát triển cả dòng điện thoại di động dành cho doanh nhân là Bavapen P800, sử dụng hệ điều hành Windows Mobile, bàn phím QWERTY, có tích hợp Bluetooth cùng nhiều tính năng cao cấp khác.

Rõ ràng, với P800, Thành Công Mobile đang hình thành những tiêu chí đầu tiên cho việc phát triển một thương hiệu Mobile Việt đúng nghĩa. Đó là đa dạng và khác biệt hóa chất lượng sản phẩm.

Dù chưa thể so sánh với những dòng sản phẩm E-series của Nokia hay P-series của Sony Ericsson… nhưng phần nào thể hiện sự đột phá và bước tiến lớn của các doanh nghiệp sản xuất điện thoại Việt trên con đường xây dựng một nền công nghiệp điện thoại di động mang đậm “màu cờ sắc áo”.

Với những nỗ lực trên, hi vọng rằng, trong một tương lai không xa, người Việt sẽ có được cho riêng cho mình những thương hiệu mobile đạt chất lượng cao. Và xa hơn nữa, hy vọng mobile Việt không những làm hài lòng các khách hàng “nội địa” mà còn phải đặt mục tiêu vươn ra khu vực, chinh phục thị trường quốc tế.

Theo e-Chip Mobile



Bình luận

  • TTCN (0)