Được biết đến với cái tên “phát động gien”, đây là công nghệ thúc đẩy các đột biến được lập trình chuyển thành gien “trội” khi hai côn trùng giao phối, làm tăng xác suất truyền đột biến đó cho thế hệ sau.
Các nhà nghiên cứu so sánh phương pháp này như là “chuỗi phản ứng hạt nhân dây chuyền” và không thể nào ngăn chặn được một khi đã kích hoạt. Nếu được sử dụng cho mục đích có lợi, công nghệ này trên lí thuyết có thể được sử dụng để loại trừ các căn bệnh do muỗi gây ra như sốt rét hoặc sốt vàng da.
Ví dụ, các chuyên gia Anh đã tạo ra các đột biến xâm nhập vào chuỗi gien di truyền của muỗi và tăng tốc độ di truyền gien này sang hậu duệ với tỉ lệ thành công gần 100%. Gien đột biến trội có thể nhanh chóng lan truyền khắp cộng đồng, hoặc lí tưởng hơn nữa là lây nhiễm cả giống loài sau vài thế hệ. Như vậy, một con muỗi được trang bị gien chống kí sinh trùng có thể truyền bá năng lực đề kháng cho toàn bộ cá thể trong vùng vào một mùa duy nhất.
Tuy nhiên, nếu lọt vào tay kẻ xấu, những sinh vật bị biến đổi gien (GM) lại có thể biến thành công cụ truyền bá những căn bệnh chết người. David Gurwitz, nhà di truyền học thuộc Đại học Tel Aviv (Israel) cho hay: “Công nghệ phát động gien có thể biến muỗi thành đối tượng chuyên chở các chủng vi khuẩn nguy hiểm cho con người”.Trong báo cáo mới trên chuyên san Science, 27 nhà di truyền học hàng đầu thế giới đã kêu gọi cộng đồng khoa học hãy công khai những nguy cơ tiềm tàng và mặt lợi ích của công nghệ mới. Họ cảnh báo: “Chúng có tiềm năng tràn trề để giải quyết những vấn đề toàn cầu trong lĩnh vực y tế, nông nghiệp và bảo tồn, nhưng năng lực can thiệp vào các cộng đồng hoang dã vượt ngoài phạm vi phòng thí nghiệm cần phải được cân nhắc thận trọng”.
Đột phá trong công nghệ trên đã được loan báo vào năm 2003, nhờ công của Austin Burt, nhà di truyền học tại Đại học Hoàng đế London (Anh). Nhờ vào cỗ máy mang tên Crispr, các chuyên gia dễ dàng sắp xếp và sửa đổi mã di truyền trên ADN trong điều kiện phòng thí nghiệm.
Các gien đã điều chỉnh được gọi là “tăng nạp” vì chúng chứa một hộp đầy các phần tử gien di truyền, đóng vai trò bôi trơn cho việc truyền lại các nhóm gien này theo hướng nhanh và dễ dàng hơn. Trong vòng vài thế hệ, gien phát tán rộng rãi trong toàn bộ cộng đồng, giống như trường hợp ở ruồi giấm, với gien bị biến đổi có thể lây nhiễm hầu như mọi cá thể trong khu thí nghiệm sau vài đời.
Tiến sĩ Gurwitz tranh luận rằng các chỉ thị chính xác để tạo ra các “phát động gien” cần phải được giữ bí mật, giống như công nghệ tạo ra vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, tiến sĩ Kevin Esvelt của Đại học Harvard (Mỹ) và 26 nhà khoa học khác cho rằng cần phải công khai hoàn toàn mới là cách phòng vệ tốt nhất trước nguy cơ công nghệ này biến thành vũ khí sinh học.
Bên cạnh đó, cần phải áp dụng một loạt các biện pháp an toàn để đảm bảo rằng những giống loài bị can thiệp gien di truyền phải bị khống chế để không lan tràn ra môi trường tự nhiên, chẳng hạn triển khai thí nghiệm trong các khu vực an ninh chặt chẽ.
Theo Thanh Niên.
Bình luận