Hình ảnh sau khi phân tích quang phổ cho thấy có tồn tại nước dạng lỏng chảy trên bề mặt sao Hỏa.

Theo CNN, NASA đã tổ chức buổi hội nghị khoa học vào tối ngày 28/9 (giờ Việt Nam) nhằm công bố việc phát hiện ra nước lỏng trên bề mặt sao Hỏa.

Từ lâu, các nhà khoa học đã phát hiện có nước đóng băng ở hai cực sao Hỏa. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên NASA xác nhận có nước dạng lỏng tồn tại trên bề mặt lạnh giá và cằn cỗi của sao Hỏa.

Những hình ảnh tàu tàu thăm dò vũ trụ Reconnaissance Orbiter gửi về Trái Đất cho thấy, có dấu vết chuyển động theo thời gian giống như dòng nước mặn chảy xuống các sườn dốc trên hành tinh đỏ.

Hàm lượng muối trong nước của sao Hỏa khiến cho nhiệt độ đóng băng xuống dưới mức 0 độ C. Theo NASA, những vệt nước này chỉ xuất hiện khi nhiệt độ bề mặt Sao Hỏa vượt qua ngưỡng âm 23 độ C.

Báo cáo không cung cấp lời giải về nguồn gốc của dòng nước. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng, nước có thể xuất hiện từ băng tan chảy dưới bề mặt, hoặc lượng muối dồi dào trong lòng sao Hỏa đã hút nước từ khí quyển hoặc do chất lỏng sủi lên từ tầng nước ngầm.

Nhà khoa học NASA John Grunsfeld cho biết: “Những phát hiện này đã cung cấp cho chúng ta một cái nhìn rõ hơn về Sao Hỏa. Đây là nguồn thôngtin hữu ích cho những chuyến du hành vũ trụ trong tương lai".

"Trong viễn cảnh không xa, chúng ta có thậm chí có thể sinh sống trên hành tinh này", ông Grunsfeld nói thêm.

Theo Người Đưa Tin.




Bình luận

  • TTCN (0)